Đề xuất tăng thuế để quản lý chặt chẽ việc sản xuất sản phẩm nhựa

Các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam vì giá thành rẻ, do đó các chuyên gia cho rằng cần tăng thuế và khâu quản lý để kiểm soát việc sản xuất các sản phẩm này.

Túi nilong được sử dụng rộng rãi vì giá thành rẻ. Ảnh: TNMT.

Túi nilong được sử dụng rộng rãi vì giá thành rẻ. Ảnh: TNMT.

Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD), nếu năm 1990 có 3.8kg nhựa/người/năm được tiêu thụ tại Việt Nam thì đến năm 2018, con số này tăng lên 41.3 kg nhựa/người/ năm. Các sản phẩm nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất (36%). Ở các đô thị Việt Nam, tổng lượng túi nilông được sử dụng là 10,48 - 52,4 tấn/ngày

Xu hướng tăng trong chi tiêu hộ gia đình cho thực phẩm và đồ uống là động lực tăng trưởng chính cho phân khúc bao bì nhựa trong giai đoạn 2019 – 2022. Cũng trong giai đoạn này, tăng trưởng xây dựng nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nhựa xây dựng cũng gia tăng.

Đây là thông tin được PGS. TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD), nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ tại Tọa đàm "Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp", ngày 28/2.

Về hiện trạng của Việt Nam hiện nay, ông Nga cho biết, rác thải nhựa chiếm 8 - 12% trong tổng số rác thải sinh hoạt. Khoảng 2,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm (đạt xấp xỉ 7.800 tấn /ngày). Có đến 80% túi nilong dùng 1 lần, chỉ có 17% túi nhựa được tái sử dụng. Đáng chú ý, chất thải nhựa tăng đột biến do đại dịch Covid-19.

 PGS. TS Nguyễn Huy Nga (cầm míc) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VSF.

PGS. TS Nguyễn Huy Nga (cầm míc) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VSF.

Trước hiện trạng đó, PGS. TS Nguyễn Huy Nga đề xuất tăng thuế và tăng cường quản lý cấp phép với hệ thống kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất sản phẩm nhựa. Nói không với việc nhập khẩu rác thải từ nước ngoài về tái sử dụng.

Ông Nga cũng cho rằng cần có sự phối hợp và lãnh đạo mạnh mẽ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ/ngành liên quan, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như tác hại khi sử dụng túi nilông, đồ nhựa. Vận động người dân “nói không với túi nilon”, vất rác đúng nơi quy định và chủ động phân loại rác ngay tại nguồn.

Cùng với đó là kết hợp với các nhà máy xử lý chất thải tăng cường các hoạt động thúc đẩy ý thức người dân như: đổi rác nhựa lấy đồ dùng như cây cảnh, đồ ăn, mũ bảo hiểm… để tiện thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa.

Sẽ có lệnh cấm sản xuất, nhập khẩu túi nilong từ 2026

Theo bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) những năm gần đây, việc truyền thông về môi trường nói chung và rác thải nhựa nói riêng ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng xã hội.

Các chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022 với các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, bà Trang cho rằng, các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa một lần vẫn đang được sử dụng rộng rãi do đặc trưng về tính tiện lợi và giá thành rẻ.

Mô hình trưng bày tại tọa đàm. Ảnh: VSF.

Mô hình trưng bày tại tọa đàm. Ảnh: VSF.

Thông tin về điểm chính của Luật, bà Ngọc Kim Thúy Ngọc, Trưởng phòng Kế hoạch Hợp tác Quốc tế, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề chất thải nhựa.

Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với việc bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon.

Trong Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.

Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nilon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.

Dự án "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" do Quỹ vì tầm vóc Việt (VSF) khởi xướng có mục tiêu chính nhằm nâng cao năng lực, sự tham gia và lãnh đạo của các phóng viên nữ (đặc biệt là các phóng viên trẻ) trong điều tra, đưa tin về ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, chuyên gia, các nhà nghiên cứu/nhà hoạt động môi trường và các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc giảm.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/de-xuat-tang-thue-de-quan-ly-chat-che-viec-san-xuat-san-pham-nhua-post18414.html