Đề xuất tăng thuế rượu, bia: Tránh gây 'sốc' cho doanh nghiệp nhưng vẫn cần đảm bảo nguồn thu ngân sách

Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) đang được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng. Đối với ngành đồ uống, đặc biệt là các mặt hàng rượu, bia dự kiến là đối tượng chính của sự điều chỉnh lần này. Dự thảo đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cả doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu.

Tại hội thảo “Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) và ngành đồ uống” tổ chức ngày 8/8, các ý kiến đánh giá ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) có vai trò kinh tế và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60 nghìn tỷ/năm, luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhất nhì địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp hướng tới một ngành đồ uống trách nhiệm và phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai.

Trong những năm trở lại đây, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới, chính sách quản lý hạn chế,... Doanh nghiệp đã cố gắng tìm mọi cách để vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để tăng sức chống chịu, ổn định sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận,... của doanh nghiệp trong ngành đều giảm sút 1 -2 con số, kéo theo đó là hệ thống thương mại, nhà hàng, dịch vụ, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào đều bị ảnh hưởng.

Từ đó dẫn đến việc doanh nghiệp phải tới tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, cắt giảm lao động.

Tăng thuế TTĐB với đồ uống có cồn cần hướng đến hài hòa lợi ích các bên

 Đánh thuế TTĐB cần đảm bảo hài hòa các lợi ích. Ảnh: TTXVN

Đánh thuế TTĐB cần đảm bảo hài hòa các lợi ích. Ảnh: TTXVN

Tại dự thảo Luật Thuế TTĐB, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia:

Đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên: Phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.

Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ: Phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.

Đối với mặt hàng bia: Phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.

Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết thấu hiểu và chia sẻ với các mục tiêu quản lý nhà nước cũng như sự ổn định, an toàn sức khỏe của người dân và cộng đồng. Hiệp hội ủng hộ chủ trương của Nhà nước về tăng thuế, tuy nhiên đối với 2 phương án lấy ý kiến lần này cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Lần sửa đổi thuế TTĐB gần nhất là vào năm 2014 theo đó, thuế suất sản phẩm đồ uống có cồn đã tăng liên tục trong 3 năm 2016-2018. Theo Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), việc tăng thuế TTĐB cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu đề ra. Có thể việc tăng thuế làm tăng giá bán, sẽ hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp có nhiều khả năng chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế, không nộp thuế TTĐB, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Theo đó mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đảo bảo sức khỏe cộng đồng khó thực hiện. Cân nhắc, nghiên cứu kỹ thêm tác động tăng thuế nhanh, cao theo dự thảo đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng. Xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn.

Ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm. Khi có chính sách hợp lý thì sẽ hài hòa hơn mục tiêu đặt ra của thuế TTĐB, tăng thuế không quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp sản xuất , kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống, đến thị trường và người lao động trong chuỗi cung ứng liên hoàn này.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích, bức tranh kinh tế toàn cầu suy giảm, phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, môi trường kinh doanh quốc tế có nhiều rủi ro, bất định và đều tác động khá mạnh đối với nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng.

Tình hình kinh tế, kinh doanh tại Việt Nam 2020-2024, ghi nhận phục hồi không đồng đều, hành vi tiêu dùng, lối sống thay đổi, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, ngành đồ uống lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước).

Với tác động của luật thuế TTĐB sửa đổi có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ. Cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam.

Theo PGS TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Thực hiện nguyên tắc này, nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng…

Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Liên quan tới vấn nạn rượu bia bất hợp pháp tại Việt Nam, Ông Nguyễn Đức Lê, phó Cục trưởng, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục quản lý thị trường) cho biết, hiện 63% lượng rượu tiêu thụ ở Việt Nam (chủ yếu là rượu thủ công do dân tự nấu, rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ…) vẫn chưa được quản lý. Tình trạng này không những gây lo ngại về sức khỏe người sử dụng mà còn gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo gánh nặng cho các cơ quan giám sát thực thi pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã kiểm tra xử lý 153 vụ liên quan đến mặt hàng rượu với số tiền xử phạt 1,5 tỷ đồng và 38 vụ liên quan đến mặt hàng bia với số tiền xử phạt 587 triệu đồng. Đây thực sự là con số rất nhỏ so với thực tế.

Qua phân tích, ông Lê cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như sự chênh lệch lớn giữa rượu bia hợp pháp và bất hợp pháp như thuế, chi phí tuân thủ cao, sự chấp nhận các sản phẩm bất hợp pháp của người tiêu dùng do thu nhập thấp, nhận thức kém, thông tin không rõ ràng, bị hấp dẫn do quảng cáo, xu hướng sính hàng ngoại xách tay, thực thi pháp luật còn yếu, lực lượng kiểm tra giám sát còn mỏng, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng cần đánh giá toàn diện hơn và có bằng chứng cụ thể cả tiêu cực khi tăng thuế đến kinh tế - xã hội, qua đó cơ sở đảm bảo tăng thu ngân sách được bền vững. Trong điều kiện kinh tế- xã hội có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước Covid-19 và đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng. Cần xác định mức thuế suất tạm thời để theo dõi mức độ đạt được kết quả phù hợp mục tiêu và các yếu tố liên quan. Nếu chưa rõ mọi tác động tổng thể toàn diện như yêu cầu phân tích tác động pháp lý hoặc đánh giá tác động pháp lý (RIA) trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ tăng thuế suất 1 lần vào năm 2026 rồi dãn cách 2 -3 năm để có thời gian xem xét các mục tiêu lẫn tác động khác nhau.

Một mặt hàng khác thuộc ngành đồ uống đang được Bộ tài chính đề xuất là, “Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB”. Theo lập luận của Bộ Tài chính, việc đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát (NGK) sẽ giúp “kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calorie duy nhất và cao nhất trong chế độ ăn uống của người Việt nên nếu ngoài các sản phẩm này thì người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường và calorie với hàm lượng cao hơn từ sản phẩm khác.

Theo chuyên gia thay vì áp thuế TTĐB đối với NGK có đường, để giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là ở trẻ em, chúng ta cần tăng cường truyền thông giáo dục tại nhà trường về dinh dưỡng cân đối, hợp lý phòng chống thừa cân béo phì. Sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm, kiểm soát chế độ ăn không dư thừa, tăng cường hoạt động thể chất,...

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/de-xuat-tang-thue-ruou-bia-tranh-gay-soc-cho-doanh-nghiep-nhung-van-can-dam-bao-nguon-thu-ngan-sach.html