Đề xuất tất cả trường hợp vi phạm hành chính đều phải lập biên bản

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, chiều 16-5, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý vi phạm hành chính

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Thảo luận tổ, nhiều đại biểu quan tâm góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) góp ý vào quy định xử phạt hành chính mà không lập biên bản, trong đó có 2 trường hợp là cảnh cáo và phạt tiền. Theo đại biểu, thực tế khi có vi phạm, chúng ta phải lập biên bản chứng minh hành vi vi phạm, bởi không lập biên bản có thể dẫn tới sự tùy tiện của cơ quan xử lý, hoặc trường hợp có khiếu nại của người bị xử lý. Việc xử phạt tiền và cảnh cáo mà không lập biên bản chỉ áp dụng khi cơ quan xử lý hoàn toàn khách quan và người vi phạm không có ý kiến khiếu nại.

“Do vậy, chúng ta cần hết sức cân nhắc và theo tôi, tất cả các trường hợp nêu trên đều phải lập biên bản để thuận lợi cho người có thẩm quyền xử lý và cũng đáp ứng yêu cầu của người bị xử lý”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính bày tỏ.

Trong khi đó, theo đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn Phú Yên), việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản chỉ áp dụng với những lỗi vi phạm giản đơn, lỗi vi phạm nhẹ. Đại biểu kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 56 của dự thảo Luật theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.

Còn đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) góp ý về ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính, cần bổ sung rõ nguyên tắc pháp lý, trách nhiệm bảo mật thông tin và giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử. Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên tắc sử dụng dữ liệu số vì nếu không làm rõ, có thể phát sinh tranh chấp về hiệu lực pháp lý của chứng cứ điện tử, trách nhiệm bảo mật, và quy trình đảm bảo tính hợp lệ của việc lập biên bản, ra quyết định xử phạt.

“Tôi đề nghị bổ sung nội dung: “Dữ liệu điện tử sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính phải được thu thập, lưu trữ, xử lý theo đúng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực và có thể kiểm chứng”, đại biểu đề xuất.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Ở góc độ khác, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong xác định hành vi vi phạm hành chính và lập biên bản. Việc này nhằm thể hiện tinh thần quán triệt thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về quy trình thủ tục tiến hành công tác kiểm tra, bởi việc áp dụng các thủ tục xử phạt trên thực tế là áp dụng theo quy trình thanh tra, chứ không có quy trình theo kiểm tra.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) kiến nghị điều chỉnh mức phạt tiền, làm rõ cơ sở điều chỉnh, bởi mức phạt tiền phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thu nhập, sức mua của đồng tiền, lạm phát, đặc biệt là yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm... Vì vậy, mức phạt tiền phải cao hơn với những hành vi yêu cầu đấu tranh phòng, chống cao hơn. Hiện nay, chúng ta vẫn chỉ quy định mức phạt căn cứ vào sức mua đồng tiền, thu nhập và phát triển kinh tế - xã hội, còn căn cứ vào hành vi đấu tranh phòng, chống vi phạm còn hạn chế.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh Phạm Thắng

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh Phạm Thắng

Kiến nghị quy định chủ tịch UBND tỉnh, thành tham dự phiên chất vấn

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, đa số đại biểu cho rằng, việc quy định thời gian đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường không quá 5 phút cũng có ưu điểm nhưng quy định không nên “quy định cứng”, bởi có những vấn đề rất chuyên sâu, cần nhiều thời gian phát biểu hơn.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), quy định 5 phút phát biểu tại hội trường sẽ vướng cho nhiều đại biểu. Vì vậy, người chủ trì cần điều chỉnh linh hoạt. Đại biểu đề nghị phiên chất vấn của Quốc hội nếu cần thiết, mời các chủ tịch UBND tỉnh, thành tham dự. Việc này rất hữu ích khi bàn thảo về những vấn đề liên quan nhiều đến địa phương.

Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cấp xã (sửa đổi, bổ sung Điều 22 Luật hiện hành).

Theo đó, tại khoản 4, Điều 1 của dự thảo Luật quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được Luật, Nghị quyết của Quốc hội giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm về nội dung “phân cấp” trên, vì "phân cấp" thường được hiểu là việc cơ quan cấp trên giao một phần thẩm quyền cho cơ quan cấp dưới. Cấp xã là cấp cơ sở, trực tiếp thực thi chính sách và là cấp gần dân nhất. Do đó, việc quy định UBND cấp xã phân cấp sẽ không phù hợp với vị trí, vai trò của chính quyền cấp xã.

Đỗ Chí

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-xuat-tat-ca-truong-hop-vi-pham-hanh-chinh-deu-phai-lap-bien-ban-702472.html