Đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho hơn 2.200 dự án với tổng vốn khoảng 235 tỉ đô la Mỹ
Báo cáo tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã hoàn tất rà soát, đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho hơn 2.200 dự án, với tổng vốn gần 5,9 triệu tỉ đồng (khoảng 235 tỉ đô la Mỹ).

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TPHCM khởi công từ 2016 đến nay vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí. Ảnh: Hoàng Vũ
Sáng nay (5-5), tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình những tháng đầu năm 2025, baochinhphu.vn đưa tin.
Về công tác chống lãng phí đạt kết quả tích cực, nhất là xử lý dự án tồn đọng, kéo dài. Trong đó, Chính phủ đã rà soát, đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho hơn 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỉ đồng (khoảng 235 tỉ đô la Mỹ) và diện tích khoảng 347.000 héc ta.
Các dự án bị vướng mắc trải dài ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, hạ tầng, đầu tư công, PPP (đối tác công tư). Một số dự án tồn đọng, kéo dài, gây lãng phí nổi bật như dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TPHCM, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai…
Về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết thế giới tiếp tục biến động phức tạp, đặc biệt Mỹ bất ngờ áp thuế đối ứng diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng.
Trong nước, GDP quí 1-2025 ước tăng 6,93%, cao nhất từ 2020; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thu ngân sách 4 tháng đạt 944.000 tỉ đồng, xuất siêu hơn 5 tỉ đô la Mỹ, FDI thực hiện trên 6,7 tỉ đô la Mỹ - mức cao nhất 5 năm.
Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%. Thương mại, dịch vụ, thương mại điện tử đều khởi sắc; du lịch đạt kỷ lục với 7,7 triệu lượt khách quốc tế.
Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, với 80 công trình trọng điểm được khởi công, khánh thành, nổi bật là ga T3 Tân Sơn Nhất và 5 dự án cao tốc Bắc - Nam.
Chính phủ và Thủ tướng đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Bộ máy Chính phủ đã tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 đơn vị); đồng thời tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.