Tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc trong thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng
Với cam kết đưa phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050, cùng việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng, Việt Nam cần xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 5/5.
Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Chiều 5/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011, cơ bản thể chế hóa chủ trương, đường lối quan điểm nhất quán của Đảng, và Nhà nước, xác định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chính sách được ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, sau 15 năm triển khai thi hành luật, đến nay đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng và ứng phó với các thách thức mới liên quan chính sách xanh như thuế phát thải các bon (Emissions Trading System-ETS), CBAM, dấu vết carbon…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình.
Bộ trưởng Công thương khẳng định, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, phạm vi điều chỉnh đã được quy định tại luật hiện hành về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Về cơ bản, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kế thừa hầu hết các quy định về quản lý năng lượng hiện tại của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp.
Trong đó, lần sửa đổi này tập trung vào việc xây dựng các công cụ tài chính, kỹ thuật tăng cường trong hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, tuân thủ các yêu cầu mới của thị trường quốc tế (Chính sách 2, 3), Chính sách 1, 4 tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định mới ban hành.
Dự thảo luật thực hiện cắt giảm 2 thủ tục hành chính (tỷ lệ cắt giảm 50%) về cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng và cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng, đáp ứng yêu cầu tại Công điện số 22/CĐ-TTg năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chỉ đạo giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin, Bộ Công thương đã tiến hành rà soát các điều ước, cam kết quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và nhận thấy các nội dung trong dự thảo luật không trái với các cam kết hay điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nội dung này đã được Bộ Công thương đánh giá tác động cụ thể tại Báo cáo đánh giá tác động dự án luật.
Đồng thời, dự án luật cũng không phát sinh bộ máy hành chính, không làm tăng kinh phí đầu tư của xã hội. Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh sử dụng bộ máy hiện có để triển khai các quy định của luật. Việc tổ chức, triển khai thi hành cũng sẽ không làm tăng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước do các nhóm giải pháp chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung tiếp tục các nội dung công việc được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nên không làm thay đổi tổ chức bộ máy và biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Bảo đảm tính khả thi của chính sách

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho hay, Ủy ban thống nhất quan điểm, mục tiêu, phạm vi sửa đổi dự thảo luật, đề nghị Chính phủ rà soát dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật để bảo đảm thống nhất chính sách; tiếp tục rà soát, thể chế hóa rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh; kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; rà soát các quy định về đối tượng dán nhãn năng lượng, kế hoạch kiểm tra việc tuân thủ quy định quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, cơ chế tài chính thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để bảo đảm tính khả thi; đánh giá, rà soát toàn diện các quy định, hướng dẫn, khuyến nghị trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) để bảo đảm tính tương thích.
Về các quy định liên quan đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (khoản 11, 12, 13 Điều 1), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, các quy định này cơ bản phù hợp, song đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ chế cập nhật danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; bổ sung quy định trách nhiệm xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ sử dụng năng lượng của cơ sở sản xuất; nghiên cứu ban hành bộ chỉ số kỹ thuật theo ngành nghề và tích hợp với chỉ số cường độ năng lượng vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia; làm rõ cơ sở quy định các biện pháp quản lý đối với cơ sở kinh doanh kiểm toán năng lượng, việc đáp ứng yêu cầu về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Về quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng (khoản 16 Điều 1), Ủy ban nhận thấy, vật liệu xây dựng có tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình; nhiều quốc gia đã có chính sách khuyến khích việc sử dụng vật liệu có hiệu suất năng lượng cao.
Để thực hiện chính sách này cần có đủ hệ thống quy chuẩn, có hạ tầng kiểm định và chính sách truyền thông, ưu đãi phù hợp. Do đó, đề nghị xem xét, nghiên cứu làm rõ tính khả thi của quy định này; rà soát, bổ sung các đối tượng dán nhãn; rà soát các điều, khoản để chỉnh lý phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, thuận tiện cho việc hợp nhất văn bản.
Về quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (khoản 17 Điều 1), Ủy ban cơ bản thống nhất với ý kiến tán thành quy định về quỹ nêu trên nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW; góp phần thực hiện các cam kết khi tham gia COP26 và dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định rõ ràng, cụ thể và phù hợp hơn, nhất là quy định về thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng quỹ.