Đề xuất thay thế thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ

Để công tác quản lý nhà nước về hải quan được thống nhất, Tổng cục Hải quan đang báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ bãi bỏ quy định vướng mắc đối với thủ tục hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ. Theo đó, cơ quan hải quan không làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ đối với hàng hóa mua bán giữa hai doanh nghiệp tại Việt Nam được thương nhân nước ngoài chỉ định giao nhận hàng hóa trong nội địa.

Công chức Hải quan Long An kiểm tra thực tế hàng gia công. Ảnh: Lê Hòa

Công chức Hải quan Long An kiểm tra thực tế hàng gia công. Ảnh: Lê Hòa

Chưa thống nhất trong hệ thống pháp luật

Thực tế cho thấy, chỉ có Luật Thương mại năm 2005 cho phép doanh nghiệp (DN) trong nước gia công được thực hiện một số hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tại chỗ như: bán, tiêu hủy, tặng biếu, xuất khẩu, còn Luật Hải quan năm 2001 và các văn bản luật khác đều không quy định về hình thức XNK tại chỗ.

Theo pháp luật về thương mại và quản lý ngoại thương là hàng hóa phải đưa ra/vào lãnh thổ Việt Nam hoặc khu vực hải quan riêng (khu chế xuất, DN chế xuất, khu phi thuế quan, kho ngoại quan) hoặc được lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan thì mới là XNK. Như vậy, XNK tại chỗ là hoạt động không phản ánh đúng bản chất của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Song thực tế, hoạt động XNK tại chỗ đã được diễn ra từ năm 1998 đến nay, các văn bản về sau đều được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Từ năm 2015, các quy định về XNK tại chỗ đã được quy định cụ thể hơn tại các nghị định của Chính phủ, trong khi đó pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có quy định hình thức XNK tại chỗ thuộc đối tượng chịu thuế. Do đó, nội hàm hoạt động XNK có sự chưa thống nhất giữa hệ thống pháp luật về thương mại, ngoại thương với hệ thống pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Đảm bảo tính thống nhất

Theo bà Đặng Thị Bình An - Chuyên gia tư vấn thuế, có thể thay đổi việc quản lý loại hàng hóa này theo hình thức để doanh nghiệp xuất hàng vào kho ngoại quan. Khi doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu thì họ sẽ nhập từ kho ngoại quan. Như vậy hàng hóa đã được chuyển khỏi nội địa và đi vào khu vực quản lý hải quan, do đó sẽ đãm bảo tính thống nhất.

Tuy chưa có sự thống nhất, nhưng hiện nay hoạt động này đang áp dụng chính sách quản lý như đối với hàng hóa XNK thông thường. Thậm chí, DN làm thủ tục XNK tại chỗ được hưởng nhiều lợi ích như được ưu đãi thuế, giảm chi phí và thời gian làm thủ tục. Theo bà Hoàng Thị Thủy - Trưởng phòng, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), những lợi ích đó tiềm ẩn nguy cơ gian lận khi DN không thực hiện thủ tục nhập khẩu tại chỗ hoặc gian lận chuyển giá. Chưa kể còn dẫn đến tồn đọng tờ khai trên hệ thống của cơ quan hải quan.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một vấn đề bất cập nữa của câu chuyện này là hàng hóa của DN không đi qua biên giới sẽ có sự chồng lấn giữa vai trò của cơ quan hải quan và cơ quan thuế. Trong nhiều trường hợp lại tạo ra sự trùng lặp về thủ tục hành chính. Đại diện VCCI cho rằng nên bãi bỏ khái niệm XNK tại chỗ là phù hợp.

Tiết kiệm hàng chục tỷ đồng

Để công tác quản lý nhà nước về hải quan được thống nhất, căn cứ trên bản chất giao dịch của hàng hóa, Tổng cục Hải quan đang lấy ý kiến về đề xuất sửa đổi Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan theo hướng bãi bỏ toàn bộ Điều 35. Việc bỏ quy định này đồng nghĩa với việc phải rà soát, bãi bỏ đồng bộ các quy định liên quan đến XNK tại chỗ đang được quy định tại các pháp luật khác liên quan.

Một vấn đề bất cập của câu chuyện này là hàng hóa của doanh nghiệp không đi qua biên giới sẽ có sự chồng lấn giữa vai trò của cơ quan hải quan và cơ quan thuế, vì thế nên bãi bỏ khái niệm xuất nhập khẩu tại chỗ là phù hợp.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng đưa ra hướng đề xuất chính sách thay thế việc làm thủ tục hải quan đối với hoạt động XNK tại chỗ khi chưa sửa Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, để đảm bảo quản lý đúng bản chất, giao dịch hàng hóa được mua bán tại Việt Nam.

Việc bãi bỏ quy định tại Điều 35 Nghị định số 08 sẽ tạo thuận lợi lớn cho cả hải quan và DN. Đối với DN, sẽ cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho DN. Bà Hoàng Thị Thủy thống kê, trong 5 năm từ năm 2018 - 2022, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,8 triệu tờ khai XNK tại chỗ. Trường hợp bãi bỏ quy định này thì trung bình hàng năm DN tiết kiệm được khoảng 36,7 tỷ đồng chi phí làm thủ tục, chưa kể tiết kiệm được thời gian, nguồn lực.

Đối với cơ quan hải quan, việc điều chỉnh sẽ giúp giảm thời gian, nhân lực và vật lực để thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK tại chỗ. Đồng thời, giảm rủi ro khi không có cơ sở xác định thương nhân nước ngoài có hay không có hiện diện tại Việt Nam.

Để thay đổi, điều chỉnh quy định đã tồn tại một thời gian dài chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động quản lý nhà nước về hải quan cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và phát sinh vướng mắc. Nhận thức rõ điều này, Tổng cục Hải quan đang tính toán hết sức chi tiết, cụ thể để tìm giải pháp tối ưu. Cùng với việc bãi bỏ Điều 35, cơ quan hải quan cũng sẽ đề xuất chính sách thay thế khi không thực hiện thủ tục hải quan đối với hoạt động XNK tại chỗ./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-xuat-thay-the-thu-tuc-hai-quan-voi-hang-hoa-xuat-nhap-khau-tai-cho-131997-131997.html