Đề xuất thêm nguồn lực cho xúc tiến thương mại

Xúc tiến thương mại được ghi nhận có tác động tích cực tới tăng trưởng xuất khẩu những năm qua, tuy nhiên nguồn lực cho triển khai công tác này còn hạn chế.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - cho biết: Theo nghiên cứu của Tổ chức Thương mại quốc tế (ITC), 1 USD chi cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu giúp các quốc gia tăng thêm 87 USD giá trị xuất khẩu và 384 USD đóng góp vào GDP.

Tại Việt Nam, từ 2016 đến nay, cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục thặng dư, với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD; năm 2017 đạt 1,9 tỷ USD; năm 2018 đạt 6,46 tỷ USD; năm 2019 đạt 10,57 tỷ USD, năm 2020 đạt 19,94 tỷ USD, năm 2021 ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 xuất siêu vẫn đạt 3,32 tỷ USD và năm 2022 tăng lên 11,2 tỷ USD.

Theo ghi nhận từ các chuyên gia, kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt năm vừa qua, với hơn 100 đề án xúc tiến thương mại triển khai tại Việt Nam và các nước trên thế giới đã hỗ trợ trên 10.000 lượt tham gia trực tiếp các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm; hàng triệu doanh nghiệp hưởng lợi từ các chương trình cung cấp thông tin, tư vấn thị trường.

Công tác xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu

Công tác xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu

Dù vậy, đầu tư ngân sách cho xúc tiến thương mại ở Việt Nam còn rất hạn chế, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác và chưa tương xứng với mức tăng trưởng xuất khẩu.

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại nêu: Năm 2012, kinh phí được cấp cho Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia là 93 tỷ đồng, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD. Từ năm 2020 đến nay, kim ngạch xuất khẩu đã tăng hơn 100% nhưng kinh phí cho chương trình dù được tăng dần các năm nhưng ổn định ở mức 136 tỷ đồng/năm (khoảng 5,7 triệu USD).

Trong khi đó, nhìn sang các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam, như: Thái Lan ngân sách dành cho xúc tiến thương mại năm 2022 khoảng 74,6 triệu USD; Trung Quốc trung bình khoảng 15 triệu USD/năm; Hàn Quốc khoảng 330 triệu USD cho riêng các hoạt động khảo sát thị trường nước ngoài và các đoàn thương mại. “Như vậy, ngân sách chi cho hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam rất khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 1,2% của Hàn Quốc, 8 % của Thái Lan...”, ông Vũ Bá Phú nói.

Do hạn chế về kinh phí, quy mô hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các sự kiện quốc tế rất khiêm tốn, nhỏ bé so với các nước trong khu vực và các nước khác, khó khăn trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, ngành hàng, sản phẩm.

Để triển khai có hiệu quả hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài Chính nghiên cứu, sắp xếp, bổ sung nguồn kinh phí cho xúc tiến thương mại thông qua Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương mở rộng mạng lưới cơ quan thương vụ và văn phòng xúc tiến thương mại, bổ sung cơ sở vật chất, kinh phí cho hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu chính sách và hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển xuất khẩu.

Về phía địa phương, hiện nay mạng lưới cơ quan xúc tiến thương mại chưa thống nhất trên cả nước về tổ chức và chức năng gây khó khăn, thiếu hiệu quả cho phối hợp, triển khai và chỉ đạo các hoạt động. Do vậy, ông Vũ Bá Phú cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn địa phương thống nhất bộ máy và tổ chức hệ thống này.

Bên cạnh đó, hiện nhiều Bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư các nguồn lực khác nhau triển khai công tác xúc tiến thương mại nhưng chưa có sự thống nhất về nội dung triển khai hàng năm và trung hạn trên cả nước. Để tránh chồng chéo, trùng lắp gây lãng phí nguồn lực, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong triển khai hoạt động, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương làm đầu mối tổng hợp, rà soát các nội dung xúc tiến thương mại mang tầm quốc gia để đề xuất với các Bộ, ngành, địa phương lồng ghép, phối hợp giữa các hoạt động và vùng miền trên phạm vi cả nước.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-them-nguon-luc-cho-xuc-tien-thuong-mai-241549.html