Đề xuất thêm phương tiện phải lắp thiết bị giám sát hành trình
Bộ Công an đề xuất ô tô kinh doanh vận tải, xe đầu kéo, cứu thương, cứu hộ giao thông phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất 4 loại phương tiện phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và thiết bị ghi nhận hình ảnh tài xế.
Cụ thể, tại Điều 25 dự thảo Nghị định quy định ô tô kinh doanh vận tải, các loại xe đầu kéo, cứu thương, cứu hộ giao thông phải lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Như vậy, so với quy định hiện hành, việc lắp thiết bị GSHT và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe tại dự thảo nghị định trên được mở rộng hơn.
Hiện nay, loại xe phải lắp thiết bị GHST bao gồm: Ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển.
Theo đó, dự thảo nêu rõ thiết bị GSHT phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đảm bảo hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Thiết bị GSHT phải bảo đảm tối thiểu yêu cầu lưu trữ và truyền dẫn các thông tin như: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục và các thông tin, dữ liệu khác về hệ thống quản lý dữ liệu GSHT của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).
Thông tin, dữ liệu từ thiết bị GSHT lắp đặt trên các xe này nhằm phục vụ công tác bảo đảm an ninh, TTATGT đường bộ và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, quản lý nhà nước về vận tải đường bộ và được kết nối, chia sẻ với Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) và cơ quan liên quan.
Dự thảo cũng quy định, Cục CSGT sẽ lưu trữ dữ liệu vi phạm của các phương tiện trong thời gian 1 năm.
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động cứu thương, đơn vị cứu hộ giao thông thực hiện duy trì hoạt động thiết bị GSHT lắp đặt trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông để đảm bảo cung cấp được các thông tin theo quy định.
Đặc biệt, không được sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị GSHT lắp đặt trên ô tô kinh doanh vận tải, ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông.
Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tài xế phải sử dụng thẻ nhận dạng của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị GSHT của xe và đăng xuất khi kết thúc lái xe để làm cơ sở xác định thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày.
Đối với quy định lắp đặt thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, dự thảo nghị định quy định ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe đầu kéo, cứu thương, cứu hộ giao thông phải lắp đặt thiết bị ghi nhận hình ảnh tài xế.
Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.
Ngoài ra, hình ảnh từ thiết bị ghi nhận hình ảnh lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 - 20 lần/giờ (tương đương từ 3 - 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và được lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất.
Trao đổi thêm với VietNamNet, một chuyên gia giao thông bày tỏ đồng tình về việc mở rộng các xe phải lắp thiết bị GSHT, trong đó có xe cứu thương.
Vị này nhìn nhận, lâu nay xe cứu thương do tư nhân làm dịch vụ hoạt động lộn xộn, không có quy định cụ thể về mức giá cũng như điều kiện hoạt động. Vì thế thời gian qua đã xảy ra nhiều câu chuyện đau lòng do chính loại hình kinh doanh vận tải này gây ra.
Đơn cử như vụ việc diễn ra vào tháng 3/2023, xe cứu thương của Công ty TNHH Vận chuyển cấp cứu 115 Huỳnh Quốc (quận 8, TP.HCM) “chém” giá 3,5 triệu đồng cho quãng đường 4km từ phường 10, quận Tân Bình đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Vào tháng 8/2023, gia đình anh T.G. (36 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) đã phải chi tới 16 triệu đồng tiền xe cấp cứu đưa con từ Cà Mau lên TP.HCM cấp cứu. Dù chấp nhận chi khoản tiền lớn để cứu con nhưng em bé không qua khỏi. Cạn tiền, khi đưa con về quê, người cha đành phải mang xác con bỏ vào một thùng xốp.
“Tôi cho rằng việc không có những quy định cụ thể đối với loại hình xe cứu thương là nguyên nhân đẩy người dân vào những tình huống oái oăm này”, chuyên gia này nhìn nhận.
Do đó, ông cho rằng việc yêu cầu xe cứu thương phải lắp thiết bị GSHT, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe là công cụ cần thiết để minh bạch hóa hoạt động dịch vụ vận tải này.