Đề xuất thí điểm bổ sung cơ chế đặc thù đủ mạnh cho Nghệ An phát triển

Sáng 31/5, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Nghệ An được thêm 1 phó chủ tịch tỉnh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Quốc hội.

Dự thảo quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (4 chính sách); quản lý đầu tư (6 chính sách); quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).

Bên cạnh các chính sách tương tự đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, các chính sách có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An, có 4 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An.

Theo đó, cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.

Cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên.

Chính sách thứ ba, tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.

Chính sách thứ 4, UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 phó chủ tịch (theo quy định là 4).

Chính phủ đề xuất dự thảo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2025, với các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, theo trình tự thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp.

Được quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với dự thảo là cần thiết, có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền. Về cơ bản, cơ quan thẩm tra nhất trí với nhiều chính sách được nêu tại tờ trình của Chính phủ.

Cơ chế đặc thù để Nghệ An phát triển.

Cơ chế đặc thù để Nghệ An phát triển.

Về quy định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, các dự án thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chỉ nên áp dụng đối với các dự án có chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn, để góp phần giảm rủi ro và tạo điều kiện thu hút thêm nguồn lực của khu vực tư nhân đối với các dự án này.

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, dự thảo quy định nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng vốn đầu tư cho thấy khả năng, hiệu quả sử dụng vốn PPP trong lĩnh vực này còn hạn chế, kết quả đầu ra chính sách chưa thực sự rõ nét và khả thi.

Với các dự án trên địa bàn phía Tây Nghệ An, hiện chưa có báo cáo đánh giá về tình hình triển khai các dự án PPP ở địa bàn này để làm căn cứ cho việc xem xét tính phù hợp của việc áp dụng chính sách.

Liên quan đến quy định: “Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C quy định tại Luật Đầu tư công và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất”, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề xuất này.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, chỉ cho phép trong trường hợp cần thiết để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh cục bộ. Theo đó, đề nghị quy định theo hướng: “Trong trường hợp cần thiết, giữa 2 kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C…”.

Về điều khoản thi hành, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa thể hiện rõ thời hạn có hiệu lực của nghị quyết. Các khoản 2, 4 Điều 8 quy định “sau khi nghị quyết này hết hiệu lực thi hành” nhưng không quy định rõ thời hạn, thời điểm áp dụng nghị quyết.

Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung này và quy định cụ thể trong nghị quyết thời hạn áp dụng là 5 năm.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội vừa qua, có đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi vì sao thời gian vừa qua, Chính phủ và các địa phương liên tục muốn có cơ chế đặc thù, phải chăng là do thể chế, thủ tục hành chính còn chưa theo kịp với thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nêu câu hỏi: "Vì sao thời gian qua, Chính phủ và các địa phương liên tục muốn có cơ chế đặc thù, từ đặc thù cho các công trình giao thông đường bộ, các chương trình mục tiêu quốc gia hay các địa phương đều xin cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng, về tài chính, ngân sách, về quản lý đô thị, về tài nguyên môi trường, về biên chế bộ máy của chính quyền đô thị?".

Theo đại biểu, phải chăng thể chế, thủ tục hành chính còn lạc hậu, nặng nề, chưa theo kịp thực tiễn, làm mất nhiều thời gian và làm tăng chi phí tuân thủ, đang bó buộc sự năng động, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng và hiệu quả của hành chính nhà nước, tạo lực cản cho sự phát triển của đất nước.

Quốc hội cần giám sát chuyên đề các cơ chế đặc thù

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), năm 2023, Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh. Tiếp theo, các địa phương sẽ có nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù, tại kỳ họp lần này sẽ có nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng và Nghệ An.

“Điều đó thể hiện rằng chúng ta thấy rất cần có sự thay đổi, đột phá trong luật pháp hiện hành, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công. Tôi mong rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng thêm một giám sát chuyên đề liên quan đến kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để chúng ta có thể xây dựng Luật sửa đổi về quản lý tài sản công cũng như Luật sửa đổi đối với đầu tư công trong phiên họp kế tiếp”.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-xuat-thi-diem-bo-sung-co-che-dac-thu-du-manh-cho-nghe-an-phat-trien-151992.html