Đề xuất thời gian soạn bài, chấm bài của GV quy đổi thành tiết dạy là hợp lí
Đại biểu Quốc hội đề xuất thời gian soạn bài, chấm bài của giáo viên quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy nhận được nhiều sự đồng tình của giáo viên.
Ngày 20/11, tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Thái Văn thành (Đoàn Nghệ An) cho biết:
"Về chế độ làm việc của nhà giáo, do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ về chế độ làm việc, đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần." [1]
Theo ghi nhận của người viết là giáo viên, đề xuất này của đại biểu Quốc hội nhận được nhiều sự đồng tình của thầy cô giáo các bậc học trên cả nước.
Vậy, thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi như thế nào là hợp lí? Trong phạm vi bài viết này, người viết có đôi điều bàn về việc quy đổi thời gian soạn bài, chấm bài của của giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Hiện nay, việc soạn bài, chấm bài của giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mất rất nhiều thời gian so với Chương trình cũ (2006).
Bởi vì, thầy cô giáo phải đọc cả 3 bộ sách giáo khoa, 3 bộ sách giáo viên cùng với một số tài liệu tham khảo khác có liên quan đến Chương trình theo từng môn học.
Theo người viết, để quy đổi thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo thành giờ dạy, tiết dạy, hiệu trưởng các nhà trường phổ thông cần căn cứ vào các quy định sau đây.
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT quy định giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có thời gian làm việc là 42 tuần/năm học.
Trong đó, cứ mỗi tuần, giáo viên tiểu học phải có số tiết lý thuyết hoặc thực hành là 23 tiết, nếu lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật và giáo viên trường dân tộc bán trú thì định mức này là 21 tiết.
Còn định mức tiết dạy (lý thuyết và thực hành) của mỗi giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần, của giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần.
Riêng giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú thì định mức tiết dạy là 17 tiết/tuần ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết/tuần ở cấp trung học phổ thông.
Với giáo viên cấp trung học cơ sở trường phổ thông dân tộc bán trú là 17 tiết/tuần. Giáo viên trường dành cho người tàn tật, khuyết tật là 17 tiết/tuần ở cấp trung học cơ sở.
Tuy vậy, người viết cho rằng, việc quy đổi thời gian soạn bài chỉ nên thực hiện đối với giáo viên có thời gian giảng dạy dưới 3 năm. Qua năm thứ tư, giáo viên gần như chỉ cần chỉnh sửa lại giáo án cũ, không nhất thiết phải soạn mới nên không cần phải quy đổi.
Thứ hai, đối với việc chấm bài thì căn cứ vào Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông để có cơ sở thực hiện đồng bộ.
Theo đó, Điều 6 quy định đánh giá thường xuyên như sau:
“a) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét (không bao gồm cụm chuyên đề học tập): mỗi học kì chọn 02 (hai) lần.
b) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số (không bao gồm cụm chuyên đề học tập), chọn số điểm đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì như sau:
- Môn học có 35 tiết/năm học: 02 điểm đánh giá thường xuyên.
- Môn học có trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học: 03 điểm đánh giá thường xuyên.
- Môn học có trên 70 tiết/năm học: 04 điểm đánh giá thường xuyên.
3. Đối với cụm chuyên đề học tập của môn học ở cấp trung học phổ thông, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá theo từng chuyên đề học tập, trong đó chọn kết quả của 01 (một) lần kiểm tra, đánh giá làm kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập.”
Cùng với đó, Điều 7 quy định đánh giá định kì như sau:
“2. Trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét có 01 (một) lần đánh giá giữa kì và 01 (một) lần đánh giá cuối kì.”
Từ các quy định trên, người viết lấy ví dụ, đối với môn Ngữ văn 10 có tổng cộng: 8 cột điểm kiểm tra thường xuyên (không bao gồm chuyên đề) và 4 cột điểm kiểm tra định kì/năm học.
Người viết đề xuất quy đổi thời gian xây dựng ma trận, ra đề, đáp án, chấm bài kiểm tra đối với môn tự luận là 60 tiết/năm học.
Riêng các môn kiểm tra trắc nghiệm, thời gian xây dựng ma trận, ra đề, đáp án cần được tăng thêm, nhưng giảm thời gian chấm bài (bằng 1/3 môn tự luận).
Giáo viên nào được phân công ra đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) thì được tính thêm 5 tiết/lần. Giáo viên phản biện đề được tính thêm 2 tiết/lần.
Tổng số tiết soạn bài, chấm bài của nhà giáo được trả thù lao theo ngạch bậc lương (không bao gồm phụ cấp đứng lớp).
Như vậy, thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo nếu được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần thì thầy cô giáo sẽ được nhận thêm một khoản thù lao bên cạnh lương.
Nhìn chung, hiện nay đồng lương của giáo viên các cấp còn thấp, chưa tương xứng với công sức của thầy cô giáo.
Vậy nên, quan điểm cá nhân người viết cho rằng, ý kiến của đại biểu Quốc hội đề xuất thời gian soạn bài, chấm bài của giáo viên được quy đổi thành giờ dạy là hoàn toàn hợp lí.
Điều này cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến giáo viên các bậc học để có chính sách hành lang pháp lí phù hợp, nhằm cụ thể hóa đề xuất lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://m.giaoduc.net.vn/dbqh-de-xuat-thoi-gian-soan-bai-cham-bai-cua-gv-quy-doi-thanh-gio-day-tiet-day-post247178.gd
[2] https://m.giaoduc.net.vn/dbqh-de-xuat-thoi-gian-soan-bai-cham-bai-quy-doi-thanh-tiet-day-gv-noi-gi-post247284.gd