Đề xuất thu phí tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn
Hà Giang đang lên phương án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nhằm tăng cường quản lý công tác tài chính để tái đầu tư cho vùng công viên địa chất cũng như nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Xuân Đôn - Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) - cho biết, dự kiến thu phí tham quan thực ra không phải của Ban mà là một trong những khuyến nghị của UNESCO. Tỉnh đã chuẩn bị cho việc này 4 năm nay nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên chưa triển khai được.
“Hiện các sở ban ngành của tỉnh đang thảo luận nhiều về việc này. Đa số đều ủng hộ vì chủ trương thu phí để tái đầu tư cho đồng bào dân tộc. Nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn về mức thu và địa điểm thu phí”, ông Đôn nói.
Ông Đôn cũng cho biết thêm, hiện CVĐC có hơn 20 điểm có thể thu phí, nhưng để thu tại điểm sẽ rất dàn trải, mỗi điểm mất thêm 5-7 người làm việc nên lượng nhân công khá lớn. Hơn nữa, về mặt cảm xúc sẽ gây khó chịu cho du khách vì một ngày phải móc túi vài chục lần để mua vé tham quan. Tuy chỉ vài nghìn nhưng quá nhiều lần sẽ làm mất đi sự trải nghiệm của du khách. Nếu thu tại 1 điểm thì mức thu sẽ là bao nhiều và phương án thu phí như thế nào vẫn đang được bàn bạc.
Trước đó Hà Giang cũng đã tổ chức hội đàm bàn về việc thu phí CVĐC để huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát triển công viên địa chất. Tỉnh dự kiến tổ chức thu phí với 3 phương án ở mức thu là 20, 30, 40 nghìn đồng/người/đêm đối với người lớn; 10, 15, 20 nghìn đồng/người/đêm đối với trẻ em.
Mức phân chia nguồn thu phí có các đơn vị là: Ủy ban Nhân dân các huyện, xã, thị trấn 20%; các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trực tiếp thu phí 20%; nộp ngân sách nhà nước 60%. Nguồn phí này sẽ được phục vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm mới, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường.
Ngay khi có chủ trương, nhiều ý kiến cho rằng, việc thu phí là vấn đề nhạy cảm, tác động đến nhiều đối tượng, do đó trước khi thực hiện thu phí, tỉnh cần làm đề án thu phí và xin ý kiến của các đối tượng bị tác động và nhân dân. Phương án thu phí và quản lý phải công bằng, công khai, minh bạch để bảo đảm khoản tiền thu được sẽ được sử dụng để bảo tồn và phát triển du lịch một cách hiệu quả.
Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn đã được hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10-2010. Vào thời điểm đó, đây là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.
Hiện khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư ngụ của khoảng 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số của Việt Nam, trong đó ngoài người Mông, Dao, Tày, Nùng còn có các dân tộc như La Chí, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô duy nhất sinh sống tại đây.
Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất và cũng là nơi có nhiều di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đã được công nhận, như di tích kiến trúc nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng,...