Đề xuất Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân

Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân (thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) cho Thủ tướng Chính phủ tại Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình dự án luật.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình dự án luật.

Mở đầu phiên họp thứ 44, sáng 14/4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) bám sát 4 chính sách đã được Chính phủ nhất trí. Gồm, thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân.

Chính sách thứ tư là quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Trong các nội dung được sửa đổi, hoàn thiện lần này có quy định bổ sung về chuyển đổi số trong hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử; nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo cũng chỉnh sửa, bổ sung quy định về an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân. Theo đó đưa ra các quy định về xây dựng, duy trì và tăng cường văn hóa an ninh tại cơ sở có nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân; thiết lập và duy trì các biện pháp an ninh nguồn phóng xạ tương ứng mức độ nguy hiểm mà nguồn phóng xạ gây ra; quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý tình huống phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát.

Lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở hạt nhân; yêu cầu đối với thiết kế; đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân; thẩm định công nghệ, an toàn bức xạ, an toàn và an ninh nhà máy điện hạt nhân; trách nhiệm giám sát an toàn và bảo đảm an ninh để phù hợp với Luật Xây dựng, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, luật mẫu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và cơ chế đặc thù cho phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Chính phủ dự kiến bãi bỏ 25 thủ tục hành chính, tương ứng với mức giảm 32,9 %. Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) không quy định chi tiết về thủ tục hành chính mà giao cho Chính phủ quy định, theo tờ trình.

Ngoài ra, dự thảo lược bỏ nội dung quy định về Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia; Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia; Quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại dự thảo Luật.

Đáng chú ý, lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân (thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) cho Thủ tướng Chính phủ. Quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân.

Hồi âm băn khoăn của một số ý kiến về quy định mới này, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ làm rõ cơ sở của việc này và sẽ giải trình rõ hơn. "Quan điểm cá nhân tôi là dự án quy mô nhỏ và vừa thì nên giao cho Thủ tướng, còn quy mô lớn có tác động lớn ví dụ trên 2.000 MW trở lên thì vẫn để Quốc hội quyết định", ông Dũng nêu ý kiến.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật.

Về 1 số vấn đề cụ thể, cơ quan thẩm tra nhất trí với sự cần thiết và nội dung thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Tuy nhiên cần xem xét việc cho phép cá nhân, tổ chức đầu tư thành lập cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ, trong đó có cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ, bởi lo ngại về khả năng bảo đảm an toàn của cá nhân, tổ chức – Chủ nhiệm Ủy ban thẩm tra Lê Quang Huy lưu ý.

Với an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, ông Huy đề nghị bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Điều 30. Thiết kế của nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được Cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt thiết kế, trong đó có tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam; Chính phủ quy định cơ quan có thẩm quyền thực hiện thẩm định.Trường hợp nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do các cơ quan chuyên môn của Việt Nam thiết kế thì cần bổ sung quy định về việc tuân thủ yêu cầu về an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA. Đề nghị làm rõ quy định về “sử dụng công nghệ… được kiểm chứng” là do cơ quan nào thực hiện việc kiểm chứng này.

Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 khai mạc vào ngày 5/5 tới đây.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-thu-tuong-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-nha-may-dien-hat-nhan-d267477.html