Đề xuất thuế carbon nhằm giảm tác động từ cơ chế điều chỉnh của EU
Thuế thuế carbon là một công cụ đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và người dân giảm lượng khí thải nhà kính vào khí quyển.
Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quy định Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) với giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm (kể từ ngày 1/10/2023). Sau đó quy định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 và vận hành hoàn toàn vào năm 2034.
Theo lộ trình, các sản phẩm sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón của Việt Nam sẽ bị đánh thuế carbon khi xuất khẩu vào EU từ 1/1/2026.
Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của CBAM và Đề xuất chính sách thuế carbon cho Việt Nam, Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Tham vấn đề xuất thuế carbon nhằm giảm nhẹ tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu đối với Việt Nam,” ngày 30/8.
Áp dụng thuế carbon thế nào?
Bà Mai Kim Liên, Phó Cục Trưởng Cục Biến đổi Khí hậu chia sẻ biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại, gây tác động đến mọi mặt về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Do đó, mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là yêu cầu tất yếu của thế giới - Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải, nhiều quốc gia sử dụng công cụ định giá carbon. Theo bà Liên, công cụ định giá carbon phổ biến được áp dụng là thuế carbon và hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, cơ chế tín chỉ carbon (hay cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon).
Trên thực tế, thuế carbon là một công cụ đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và người dân giảm lượng khí thải nhà kính vào khí quyển.
Hiện Việt Nam đã xác định áp dụng các công cụ định giá carbon, cụ thể là hệ thống thương mại phát thải (thị trường carbon nội địa) nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, các cấp quản lý cũng đang nghiên cứu kinh nghiệm bên ngoài và những tác động của các chính sách quốc tế liên quan đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước (như CBAM), từ đó đề xuất các biện pháp, chính sách phù hợp.
“Song song với lộ trình thiết lập và vận hành thị trường carbon nội địa, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất quy định và lộ trình áp dụng thuế carbon tại Việt Nam,” bà Liên cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Axel Michaelowa, chuyên gia của Perspectives Climate Group chỉ ra các yếu tố thiết kế chính của thuế carbon. Trong đó, phạm vi và đối tượng chịu thuế sẽ áp dụng trực tiếp lên phát thải hoặc hàm lượng carbon trong nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, việc đánh thuế lên hàm lượng carbon có thể được áp dụng trong quá trình sản xuất, xuất khẩu hoặc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Đặc biệt về mức thuế, theo ông Axel Michaelowa nếu để thấp sẽ không tạo động lực giảm phát thải, song để mức cao có thể gây tác động tiêu cực ngắn hạn đến sự ổn định kinh tế. Tại các quốc gia, các mức thuế hiện hành đang rất khác nhau (thậm chỉ chỉ từ vài xu đến hơn 200 USD/tấn CO2). Ngoài ra, những cân nhắc chính trị cũng ảnh hưởng đến việc thiết lập mức thuế carbon.
Mặt khác, ông Axel Michaelowa lưu ý việc phân bổ nguồn thu thuế carbon có thể chuyển vào ngân sách Nhà nước hoặc cho những mục đích sử dụng cụ thể, song phải đảm bảo có sự minh bạch. Mục đích là góp phần thúc đẩy sự ủng hộ của cộng đồng cũng như giảm sự phản đối với chính sách thuế carbon. Hơn nữa, ông cho rằng các nhà hoạch địch chính sách cũng cần chú ý đến yếu tố miễn trừ (đối với vùng sâu-vùng xa, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, các ngành công nghiệp quan trọng trong nền kinh tế) nhằm áp dụng thuế từ từ và giảm tác động tiêu cực.
Tránh trùng thuế
Ông Axel Michaelowa cho rằng chính sách thuế carbon cần có sự tương tác với các chính sách thuế, phí khác và chỉ nên là một phần của khung chính sách khí hậu. Cụ thể, chính sách định giá carbon sẽ phù hợp hơn ở một số ngành nhất định nên có thể quy định trực tiếp hoặc các khoản trợ cấp ở các lĩnh vực khác nhau.
“Việc lồng ghép vào các khung chính sách và tài chính hiện hành là rất cần thiết để thuế carbon đạt hiệu quả,” ông Michaelowa nói.
Theo luật sư Nguyễn Anh Minh, Công ty NH Quang & Cộng sự, tại Việt Nam, thuế bảo vệ môi trường đang là chính sách phù hợp nhất với thuế carbon. Tuy nhiên, một số yếu tố nhất định của sắc thuế này hiện tại không tương thích với thiết kế của một công cụ định giá carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon để được miễn giảm. Trong khi, tích hợp thuế carbon tại phí bảo vệ môi trường đối với khí thải sẽ có nhiều đặc điểm tương đồng hơn.
“Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải vào cuối năm 2023. Đây là một cơ hội để thảo luận về thuế carbon được lồng ghép vào Nghị định phí bảo vệ môi trường sửa đổi và có thể ban hành Nghị định trước ngày CBAM có hiệu lực vào năm 2026,” ông Minh nói.
Ông Minh phân tích thêm, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, phạm vi thu phí bao gồm các hoạt động liên quan tới phát thải các chất gây ô nhiễm hoặc làm phát sinh các tác động tiêu cực đến môi trường. Theo các quy định này, phí bảo vệ môi trường có thể được tính toán dựa trên khối lượng của các chất gây ô nhiễm thải ra.
“Phí bảo vệ môi trường thường phát sinh từ việc sử dụng các dịch vụ liên quan đến môi trường và được chi trả cho việc sử dụng các dịch vụ công. Tương đồng, thuế carbon cũng được hiểu là khoản tiền mà các cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước do hoạt động phát thải khí nhà kính của mình ra môi trường,” ông Minh nhấn mạnh./.