Đề xuất tổ chức lại Cục Đường cao tốc Việt Nam thành Cục Quản lý công tư

Bộ Giao thông vận tải đề xuất đổi tên Cục Đường cao tốc Việt Nam thành Cục Quản lý công tư, đồng thời kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ của Cục này để bảo đảm bao quát toàn bộ các nhiệm vụ về đầu tư theo hình thức PPP cho phù hợp với pháp luật hiện hành, bối cảnh hiện tại và xu hướng tương lai.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất tổ chức lại Cục Đường cao tốc Việt Nam thành Cục Quản lý công tư

Bộ Giao thông vận tải đề xuất tổ chức lại Cục Đường cao tốc Việt Nam thành Cục Quản lý công tư

Bộ Giao thông vận tải cho biết, thực hiện Nghị định số 56/2022/NĐ-CP, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành 02 cục (Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam). Ngay sau khi được thành lập, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã phát huy tốt vai trò của Cục quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với một số đường cao tốc theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

Tuy nhiên, hoạt động của Cục này đặt trong mối tương quan với các cơ quan, đơn vị khác trực thuộc Bộ và gắn với nhiệm vụ chính trị của Bộ Giao thông vận tải cho thấy còn có một số bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, theo Nghị định số 56/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quản lý nhà nước đối với ngành giao thông vận tải được phân chia thành 05 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không). Theo Luật Đường bộ, đường cao tốc chỉ là một cấp kỹ thuật của đường bộ, theo đó chịu sự điều chỉnh chung của pháp luật đường bộ. Do đó, công tác quản lý nhà nước về đường bộ cao tốc nên để 01 Cục thuộc Bộ quản lý để tham mưu tập trung thống nhất. Đối với dự án đường bộ và đường bộ cao tốc sẽ bao gồm nhiều khâu và đang được Bộ Giao thông vận tải giao cho nhiều cơ quan thuộc Bộ cùng thực hiện, như: Theo chức năng, nhiệm vụ, bước chủ trương đầu tư do Vụ Kế hoạch - Đầu tư hoặc Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì tham mưu; bước dự án đầu tư và thi công xây dựng do Cục Quản lý đầu tư xây dựng hoặc Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì tham mưu (theo danh mục dự án được phân công).

Đặc biệt, trong giai đoạn khai thác và bảo trì, mặc dù Cục Đường cao tốc Việt Nam và Cục Đường bộ Việt Nam đều có vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn để thực hiện; tuy nhiên trong thực tế, các nhiệm vụ trong giai đoạn khai thác đều do Cục Đường bộ Việt Nam triển khai thực hiện, Cục Đường cao tốc Việt Nam chưa đảm bảo các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ (đặc biệt là về tổ chức bộ máy). Như vậy, chỉ xét riêng đối với công tác tham mưu, đầu tư phát triển đường cao tốc đã có sự đan xen, chồng lấn giữa Cục Đường cao tốc Việt Nam với các cơ quan thuộc Bộ (như Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường bộ Việt Nam); khó khăn đối với công tác thống nhất quản lý trong lĩnh vực đường bộ. Mặt khác, hiện nay và trong thời gian tới, việc xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chủ yếu tập trung vào xây dựng đường bộ cao tốc, trong khi đó với tên gọi là Cục Đường cao tốc Việt Nam nhưng lại không thể quản lý toàn bộ các khâu, giai đoạn đối với dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.

Thứ hai, đặc thù của ngành giao thông vận tải là nhu cầu và tiềm năng về huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư, phát triển 05 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không) rất lớn. Tuy nhiên, với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải như hiện nay, để thực hiện thành công nhiệm vụ huy động ngoài ngân sách theo kế hoạch là rất khó khả thi. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, cần phải đầu tư vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trong khi đó việc huy động nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng, khai thác 05 lĩnh vực của ngành giao thông vận tải là rất cần thiết.

Vì vậy, rất cần một cơ quan trực thuộc Bộ ở mô hình cấp cục tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về đầu tư, xây dựng và khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư, các hình thức đầu tư khác sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trong phạm vi cả nước. Hiện nay chưa có đơn vị đầu mối nào trực thuộc Bộ tham mưu cho Bộ trưởng thực hiện các công việc này. Mặt khác, hiện tên gọi, vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Đường cao tốc Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Thứ ba, sau khi Cục Đường cao tốc Việt Nam được thành lập, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải phát huy vai trò của cơ quan tham mưu về đầu tư, phát triển hệ thống đường cao tốc; tuy nhiên, đối với việc quản lý, thương thảo, ký kết và quản lý hợp đồng dự án đối tác công tư chưa đạt như kỳ vọng.

Trước đây, do mô hình Vụ Đối tác công – tư có một số bất cập như tổ chức Vụ không có con dấu nên đối với việc ký kết hợp đồng dự án theo phương thức đối tác công tư, Vụ Đối tác công – tư chỉ tham mưu lãnh đạo Bộ chứ không thực hiện độc lập được,... nên khi xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2022/NĐ-CP, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị sáp nhập Vụ Đối tác công – tư vào Vụ Kế hoạch – Đầu tư, theo đó đã chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Đối tác công – tư về Vụ Kế hoạch - Đầu tư (giai đoạn chủ trương dự án) và Cục Đường cao tốc Việt Nam (giai đoạn thực hiện, quản lý, khai thác) để thực hiện chủ trương phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư và các hình thức đầu tư ngoài ngân sách khác. Tuy nhiên, do có sự phân tán trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công tác tham mưu chính sách, tổ chức thực hiện các dự án đối tác công tư, dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách lại do nhiều cơ quan triển khai thực hiện nên hiệu quả không cao. Hơn nữa, việc bổ sung nhiệm vụ quản lý đối với dự án đối tác công tư cho Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ phải đổi tên Cục cho phù hợp.

Xuất phát từ thực tế trên, theo Bộ Giao thông vận tải việc đổi tên Cục Đường cao tốc Việt Nam, đồng thời kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ của Cục này để bảo đảm bao quát toàn bộ các nhiệm vụ về đầu tư theo hình thức PPP cho phù hợp với pháp luật hiện hành, bối cảnh hiện tại và xu hướng tương lai là rất cần thiết.

Vị trí, chức năng Cục Quản lý công tư

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý công tư (tên tiếng Anh: Public Private Management Authority) là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về đầu tư, xây dựng và khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư, các hình thức đầu tư khác sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trong phạm vi cả nước.

Cục Quản lý đầu tư công tư có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Cơ cấu tổ chức

Trên cơ sở hiện trạng của Cục Đường cao tốc Việt Nam, để đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý công tư bao gồm:

(1) Văn phòng.

(2) Phòng Pháp chế - Đấu thầu.

(3) Phòng Kế hoạch - Tài chính.

(4) Phòng Quản lý xây dựng.

(5) Phòng Quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

(6) Phòng Kỹ thuật, công nghệ và xúc tiến đầu tư.

(7) Chi cục miền Bắc.

(8) Chi cục miền Trung.

(9) Chi cục miền Nam.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-to-chuc-lai-cuc-duong-cao-toc-viet-nam-thanh-cuc-quan-ly-cong-tu-102240913185715685.htm