Đề xuất tránh trùng lặp khi cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất, Chính phủ nghiên cứu sắp xếp lại các nhóm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sao cho ngắn gọn, khoa học và tránh trùng lặp với các chức danh chỉ thuộc về một người.

Ngày 12-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Theo đó, liên quan đến việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho biết: Dự thảo luật quy định phương án 1 là quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cử cho phép người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ra nước ngoài. Phương án 2 là mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, phương án 1 quy định quá cụ thể và trùng lặp đối với 1 cá nhân đang cùng lúc đảm nhận nhiều chức danh của Đảng, chính quyền và đoàn thể, tạo nên sự phức tạp, rắc rối trong điều luật. Phương án 2 chưa cụ thể hóa Điều 14 Hiến pháp vì quyền tự do đi lại trong nước và nước ngoài là quyền con người, quyền công dân cần phải quy định trong văn bản luật, không nên giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật.

Đại biểu cơ bản tán thành phương án 1 và không sử dụng phương án 2. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu sắp xếp lại các nhóm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sao cho ngắn gọn, khoa học và tránh trùng lặp với các chức danh chỉ thuộc về một người.

“Trường hợp Vũ nhôm vừa qua có vài ba hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ cùng thời điểm. Phải chăng, từ quy định trùng lặp như phương án 1 vừa qua. Đề nghị Chính phủ gia công xây dựng phương án 1 cho tốt hơn, rõ ràng và minh bạch, tránh chồng chéo, dễ phát sinh lạm quyền”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh Quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh Quochoi.vn

Ở góc nhìn khác, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) bày tỏ sự tán thành với phương án 2. Đó là chỉ quy định những nguyên tắc chung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đại biểu, nếu quy định quá chi tiết như dự thảo luật sẽ dẫn đến thực tiễn thay đổi sẽ phải sửa luật. Ngoài ra, việc quy định đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao quá cụ thể thì một số đúng với thể chế chính trị của nước ta nhưng sẽ không phù hợp với thông lệ quốc tế..

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tham khảo thêm quy định của một số nước trên thế giới về quy định cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và thể hiện trong nghị định. Bên cạnh đó, đề nghị đưa các quy phạm được thể hiện ở phương án 1 vào dự thảo nghị định, quy định đối tượng, cơ quan có thẩm quyền quyết định cử cho phép người được cấp gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ. Đại biểu cho rằng Dự thảo nghị định này mới chỉ dừng lại ở đề cương, còn sơ sài, trong khi đó quy định ở dự thảo luật lại khá chi tiết.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đề nghị Ban soạn thảo tăng cường thêm các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ. Theo đại biểu, việc quản lý và sử dụng hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ lâu nay thực hiện theo Quyết định 58 năm 2012. Trong đó, khoản 6 Điều 4 của Quyết định 58 có nêu "không được sử dụng hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ đi nước ngoài vì mục đích cá nhân". Đây là quy định rất nhiều cơ quan, tổ chức hiện nay thực hiện. Nhưng thực tế, nếu quy định như thế này thì vướng, có thể bắt lỗi đại biểu Quốc hội, người sử dụng hộ chiếu ngoại giao lúc nào cũng có thể được”.

Đại biểu dẫn chưng: “Ví dụ, tôi đi nước ngoài với mục đích cá nhân, tôi đi thẳng từ Việt Nam sang nước đó thì tôi sử dụng hộ chiếu phổ thông là đúng rồi. Nhưng trong trường hợp một đại biểu có nhu cầu đi một nước nào đó ở lân cận để thăm thân hoặc mục đích khác là mục đích cá nhân thì làm sao có thể sử dụng hộ chiếu phổ thông vào lúc đó được bởi trong lúc xuất cảnh và nhập cảnh vào nước đó thì anh sử dụng hộ chiếu ngoại giao, mà bây giờ sử dụng hộ chiếu phổ thông ra để đi thì không được mà quy định là không được sử dụng vào mục đích cá nhân. Nếu quy định như vậy thì bắt lỗi lúc nào cũng được, rất dễ vi phạm”.

Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đề nghị phải có quy định rõ ràng việc này như thế nào. Ví dụ, trường hợp nhân viên ngoại giao, hộ chiếu đối với người đi làm việc ở các nước, đi luân chuyển là sử dụng hộ chiếu ngoại giao. Nhưng trong quá trình mấy năm làm nhiệm vụ ở đó, người ta có thể đưa gia đình hoặc có nhu cầu của cá nhân đi thăm hay đi nghỉ hè ở nước khác thì làm sao sử dụng hộ chiếu phổ thông được, bởi vì hộ chiếu phổ thông, khi nhập cảnh vào nước đó làm việc thì đã nhập cảnh bằng hộ chiếu công vụ.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-tranh-trung-lap-khi-cap-ho-chieu-ngoai-giao-ho-chieu-cong-vu-151598.html