Đề xuất trường quân đội được đào tạo ngành có tính cấp thiết cho xã hội

Bộ Quốc phòng đang bổ sung, hoàn thiện Đề án tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước tại một số cơ sở giáo dục trong quân đội để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Cần nghiên cứu bổ sung, huy động các cơ sở giáo dục trong quân đội tham gia đào tạo một số ngành mà xã hội có nhu cầu cao và cấp thiết (Ảnh: FB MTA)

Cần nghiên cứu bổ sung, huy động các cơ sở giáo dục trong quân đội tham gia đào tạo một số ngành mà xã hội có nhu cầu cao và cấp thiết (Ảnh: FB MTA)

Được biết, từ năm 2002, các trường quân đội đã tuyển sinh được hơn 93.000 sinh viên hệ dân sự ở các trình độ. Đến năm 2017, theo Nghị quyết 19 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, các trường quân đội từng bước giảm dần và đến năm 2021 dừng hẳn tuyển sinh hệ dân sự. Việc này nhằm thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức các đơn vị quân đội, khắc phục tình trạng có trường đào tạo hệ dân sự gấp nhiều lần hệ quân sự nhưng đội ngũ cán bộ giảng dạy vẫn là của quân đội.

Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi các trường quân đội đủ điều kiện và có thế mạnh ở nhiều ngành, Bộ Quốc phòng đang hoàn thiện đề án tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại một số cơ sở đào tạo.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh – Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) đề xuất Bộ GD&ĐT nghiên cứu bổ sung, huy động các cơ sở giáo dục trong quân đội tham gia đào tạo một số ngành mà xã hội có nhu cầu cao và cấp thiết bởi thực tế cho thấy các trường trong quân đội đào tạo không chỉ góp phần bổ sung nhân lực cho xã hội mà còn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng.

Về vấn đề này, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ GD&ĐT ủng hộ Bộ Quốc phòng tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thay vì chỉ phục vụ riêng quân đội như hiện nay.

Điều đó phù hợp và cần thiết bởi đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đất nước là chức năng của Bộ Quốc phòng, được quy định trong Luật Quốc phòng. Việc này cũng giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giúp phát triển toàn diện các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu trọng điểm của Bộ Quốc phòng. Học viên, sinh viên ngoài được lĩnh hội kiến thức chuyên môn còn được rèn thể chất, tác phong, kỷ luật quân đội.

Tại buổi làm việc với Học viện Kỹ thuật Quân sự mới diễn ra, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng tình với các quan điểm trên khi cho rằng với đội ngũ cán bộ, giảng viên rất mạnh như học viện, nếu chỉ đào tạo rất ít học viên, môi trường đào tạo sẽ thiếu sức sống, động lực để phát triển. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ giúp phát huy được nguồn lực của học viện.

Đề án được triển khai sẽ góp phần đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; phát huy và khai thác hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đồng thời tạo cơ hội để các cơ sở giáo dục trong quân đội hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc dân, phát triển toàn diện, trở thành cơ sở giáo dục ngang tầm quốc gia và quốc tế, khẳng định được vai trò, trách nhiệm của quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc tham gia đào tạo hệ dân sự còn giúp đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của các cơ sở giáo dục trong quân đội có cơ hội tiếp cận tri thức mới, hiện đại; các cơ sở giáo dục trong quân đội duy trì, mở rộng thêm các ngành đào tạo mới; được tăng cường năng lực hợp tác, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn với hệ thống giáo dục đại học trong nước và quốc tế; mở rộng cơ hội giao lưu, học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, tinh hoa của các nền giáo dục, khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Cùng với đó, học viên, sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục trong quân đội còn là nguồn dự bị động viên chất lượng cao, sẵn sàng bổ sung cho quân đội trong thời bình cũng như khi có tình huống xảy ra, góp phần xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân.

Được biết, nếu đề án được thông qua, trước mắt có 8 cơ sở giáo dục quân đội tham gia đào tạo gồm: Học viện Chính trị; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Học viện Khoa học Quân sự; Học viện Quân y; Viện Nghiên cứu khoa học Y dược lâm sàng 108; Viện Y học cổ truyền Quân đội; Viện Khoa học và Công nghệ quân sự; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-truong-quan-doi-duoc-dao-tao-nganh-co-tinh-cap-thiet-cho-xa-hoi.html