Đề xuất ủy quyền cho Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam phê duyệt một số nội dung trong hoạt động dầu khí

Cuối giờ chiều 19/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ủy quyền cho Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) phê duyệt một số nội dung trong hoạt động dầu khí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành nội dung thảo luận

Sẽ rút ngắn thời gian thẩm định và phê duyệt khoảng 50 ngày nếu ủy quyền cho PVN

Báo cáo tóm tắt Tờ trình tóm tắt của Chính phủ về việc ủy quyền cho Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) phê duyệt một số nội dung trong hoạt động dầu khí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tại Văn bản số 1260/DKVN-HĐTV ngày 21/2/2025, PVN đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương ủy quyền cho PVN phê duyệt đối với một số vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí năm 2022 để rút ngắn thời gian phê duyệt nhằm thúc đẩy hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình tóm tắt của Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình tóm tắt của Chính phủ

Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước nhằm khơi thông nguồn lực, tạo sự đột phá trong phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Theo quy định của Luật Dầu khí năm 2022, PVN là doanh nghiệp nhà nước đặc thù, thay mặt Nhà nước, chủ nhà ký kết hợp đồng dầu khí với các nhà thầu thực hiện hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của Việt Nam. Luật Dầu khí năm 2022 cũng đã quy định một số trường hợp phân cấp cho PVN phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí nhưng cần xem xét phân cấp, ủy quyền mạnh hơn để thúc đẩy hoạt động thăm dò dầu khí và khai thác dầu khí. Do đó, việc Bộ Công Thương ủy quyền cho PVN thẩm định, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh báo cáo tài nguyên trữ lượng dầu khí, kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí cho một số trường hợp (ngoại trừ trường hợp dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ, các hạng mục và công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển) sẽ rút ngắn được thời gian hoàn tất các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho PVN và các nhà thầu trong quá trình hoạt động dầu khí nhằm gia tăng sản lượng khai thác dầu khí, đóng góp cho tăng trưởng đất nước, góp phần bảo đảm chủ quyền trên Biển Đông và an ninh năng lượng quốc gia. Trường hợp Bộ Công Thương ủy quyền cho PVN phê duyệt sẽ rút ngắn thời gian thẩm định và phê duyệt khoảng 50 ngày.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Chính phủ thấy rằng các đề xuất, kiến nghị của PVN là hợp lý và cần thiết nhằm rút ngắn thời gian hoàn tất các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu tối ưu hóa hoạt động dầu khí, giữ chân thu hút các nhà thầu nước ngoài tiếp tục đầu tư tại Việt Nam, vừa góp phần bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo, vừa tối ưu khai thác tài nguyên cho đất nước, tạo nguồn lực phát triển các ngành kinh tế khác. Tại Nghị quyết 146 ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, có hiệu lực từ ngày mùng 1/7/2025. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phân cấp, phân quyền nhiều nội dung trong Luật Dầu khí năm 2022 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho Bộ Công Thương, trong đó có nội dung phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí. Nghị định này sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/3/2027. Theo đó, dự kiến trong năm 2026, Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi Luật Dầu khí năm 2022 để trình Quốc hội thông qua, trong đó sửa đổi căn bản các nội dung về phân cấp, phân quyền. Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí, cần thiết có cơ chế ủy quyền cho PVN phê duyệt các nội dung trong hoạt động dầu khí nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình của Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình của Chính phủ

Về lý do báo cáo Quốc hội cho phép Bộ Công thương ủy quyền cho PVN phê duyệt một số nội dung hoạt động dầu khí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 chỉ có quy định Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, cán bộ ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo Luật, không có quy định về việc Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ủy quyền cho doanh nghiệp. Do đó, để có thể ủy quyền cho PVN phê duyệt một số nội dung trong hoạt động dầu khí, cần thiết phải được Quốc hội cho phép. Từ đó, Chính phủ đề xuất, kiến nghị:

Thứ nhất, cho phép Bộ Công Thương được ủy quyền trực tiếp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam phê duyệt một số nội dung trong hoạt động dầu khí thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương theo quy định của Luật Dầu khí năm 2002, áp dụng cho đến khi hoàn thành sửa đổi Luật Dầu khí năm 2022, dự kiến sẽ được trình trong năm 2027.

Thứ hai, trường hợp Quốc hội thông qua, đề xuất đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tăng cường phân cấp, phân quyền tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dầu khí, khơi thông nguồn lực phát triển

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, về cơ sở pháp lý, việc điều chỉnh thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang được quy định tại Luật Dầu khí sang cho PVN là nội dung khác quy định của Luật Dầu khí. Vì vậy việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định là phù hợp. Về cơ sở thực tiễn, PVN đã được Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ trong hoạt động dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí năm 2022. Việc xem xét ủy quyền hay giao cho PVN quyết định kịp thời cũng là cơ sở thực tiễn.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, về cơ sở chính trị, thực hiện việc tăng cường phân cấp, phân quyền sẽ giải quyết vấn đề nhanh hơn. Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, việc xem xét, điều chỉnh thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sang cho PVN thuộc thẩm quyền của Quốc hội, có cơ sở thực tiễn, nhằm rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dầu khí, góp phần khơi thông nguồn lực, gắn với thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới.

Về tính chất, hình thức văn bản, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị tiếp tục rà soát và cho áp dụng theo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Trường hợp không áp dụng được Nghị quyết này, đề nghị Chính phủ hoàn thiện Hồ sơ trình Quốc hội có hình thức phù hợp.

Ban hành Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép PVN phê duyệt một số nội dung trong hoạt động dầu khí

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã phát biểu cho ý kiến thảo luận.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã chủ động rà soát, đề xuất để rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà thầu triển khai phát triển mỏ, gia tăng sản lượng khai thác, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển đất nước gắn với mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên theo Nghị quyết 192 của Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính và các cơ quan có liên quan đã tích cực thẩm tra Tờ trình số 469 của Chính phủ và chuẩn bị báo cáo thẩm tra nội dung này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế và Tài chính và các cơ quan của Quốc hội phối hợp thẩm tra về việc cho phép điều chỉnh thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định tại Luật Dầu khí cho PVN.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Bộ trưởng Bộ Công Thương lắng nghe kết luận của Ủy ban hường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công Thương lắng nghe kết luận của Ủy ban hường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất, đây là vấn đề giao quyền và vấn đề giao quyền này khác với quy định của Luật Dầu khí. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án ban hành Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ sử dụng cơ chế ở Tiêu chí thứ 3 trong trường hợp gây khó khăn, tạo gánh nặng chi phí được quy định tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Nghị quyết này sẽ được trình ra Quốc hội vào ngày 20/6/2025. Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hoặc sửa Nghị định 146 để xử lý vấn đề này.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị lưu ý, xác định rõ các nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước có liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong quá trình phân cấp, giao quyền, phải bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ, thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ và các luật có liên quan, nhất là các luật đã, đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký phối hợp chỉ đạo các cơ quan có liên quan ra Thông báo kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vấn đề này./.

Khắc Phục - Thế Anh - Vũ Hiếu

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94677