Đề xuất xây dựng các bộ tiêu chí nhãn xanh, nhãn sinh thái, vật liệu xanh
Theo chuyên gia, xây dựng các bộ tiêu chí nhãn xanh, nhãn sinh thái và vật liệu xanh là một bước đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành xây dựng Việt Nam...
Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh”, TS. Đào Danh Tùng, chuyên viên chính của Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trên thế giới hiện có khoảng 465 nhãn xanh tại 199 quốc gia và bao phủ 25 ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, chương trình dán nhãn xanh đều là các chương trình tự nguyện, do một tổ chức cấp giấy chứng nhận trên sản phẩm để biểu thị sự thân thiện với môi trường trên cơ sở tác động môi trường trên toàn bộ vòng đời sản phẩm.
Theo đánh giá của TS. Đào Danh Tùng, Việt Nam vẫn chưa có các bộ tiêu chí nhãn xanh, nhãn sinh thái, vật liệu xanh; chưa có hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, còn thiếu các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh, nhãn sinh thái, vật liệu xanh Việt Nam.
Vì vậy, ông Tùng đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành tại Việt Nam cần xây dựng được các bộ tiêu chí nhãn xanh, nhãn sinh thái, vật liệu xanh; hoàn thiện hơn hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng.
Cuối cùng là xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh, nhãn sinh thái, vật liệu xanh.
Cũng tại hội thảo, KS. Lê Cao Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động, Viện Vật liệu Xây dựng cho biết, hiện nay, trên thế giới có 6 xu hướng sử dụng vật liệu xanh, bao gồm hiệu quả năng lượng trong công trình; tái chế và tái sử dụng vật liệu xây dựng; sử dụng vật liệu từ nguồn tài nguyên tái tạo; vật liệu thân thiện với sức khỏe con người; công nghệ sinh học và vật liệu phân hủy sinh học; sử dụng công nghệ và vật liệu thông minh.
Theo đánh giá của Viện Vật liệu Xây dựng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành vật liệu xây dựng xanh nhờ vào nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, tiềm năng tái chế các loại vật liệu và nhu cầu vật liệu xanh tăng cao từ xu hướng toàn cầu.
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách hỗ trợ và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của vật liệu xanh.
Thực tế, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc áp dụng vật liệu xanh. Những thách thức này là chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu các tiêu chuẩn, quy định cụ thể và sự hạn chế về nguồn cung vật liệu xanh hay sản phẩm mới ở trong nước.
Vì vậy, để thúc đẩy việc sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng, ông Chiến nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế và tái tạo. Đồng thời, việc nâng cao hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải CO2 và tiết kiệm tài nguyên.
“Với sự phát triển của công nghệ sinh học và vật liệu thông minh, tương lai của ngành xây dựng xanh sẽ ngày càng phát triển. Việc sử dụng các vật liệu phân hủy sinh học, cùng với tích hợp công nghệ tiên tiến như kính thông minh và hệ thống năng lượng tái tạo, sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, đồng thời tạo ra các công trình hiệu quả và bền vững hơn”, vị Phó Giám đốc nói.