Đề xuất xây dựng một dự án luật riêng về hoạt động Thừa phát lại
Theo chuyên gia, hoạt động Thừa phát lại hiện nay mới chỉ điều chỉnh ở nghị định là chưa xứng tầm, không công bằng so với các hoạt động bổ trợ tư pháp khác như luật sư, công chứng.
Sáng 23-4, Học viện Tư pháp (cơ sở TP.HCM) phối hợp với Hội Thừa phát lại (TPL) TP.HCM tổ chức hội thảo Góp ý hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của TPL tại Việt Nam.
Tại hội thảo các chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn của hoạt động TPL hiện nay cả về mặt chế định, hành lang pháp lý cũng như thực tiễn hoạt động.
Theo TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng khoa luật dân sự, Đại học luật TP.HCM, những năm gần đây, việc xã hội hóa một số hoạt động tư pháp được Đảng và Nhà nước quan tâm và hoạt động TPL cũng không ngoại lệ.

Phó giám đốc Học viện tư pháp, Nguyễn Trường Thiệp phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Trong xu hướng cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 27 và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hoạt động bổ trợ của TPL không chỉ giúp cho hoạt động tư pháp tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, mà còn tạo điều kiện để công dân, tổ chức bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Song khi nhìn lại hành lang pháp lý quy định về thừa phát lại thì đang còn rất hạn chế.
Cụ thể, theo TS Tiến, hiện nay hoạt động TPL đang được quy định và điều chỉnh bởi Nghị định 08/2020, các Thông tư hướng dẫn liên quan... Với số lượng văn bản như vậy, hiệu quả điều chỉnh về chế định TPL còn hẹp, mang tính xây dựng các quy định về mô hình của TPL lại nhiều hơn so với nội dung hoạt động, nhiệm vụ được giao.
"Khi đối chiếu với các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác có cùng tính chất, chức năng bổ trợ tư pháp như Công chứng, Luật sư, Đấu giá đều đã có Luật riêng để điều chỉnh, trong khi hoạt động TPL mới chỉ dừng ở Nghị định là chưa xứng tầm với vị trí, vai trò của TPL trong xã hội.
Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Luật TPL để hoàn thiện hệ thống pháp luật về TPL, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của TPL phù hợp với pháp luật quốc tế, khu vực, thúc đẩy hoạt động tư pháp, phát triển kinh tế, xã hội", TS Tiến nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Thanh Thủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Giảng viên cao cấp của Học viện tư pháp, thì cho rằng quyền hạn của TPL hiện nay còn hạn chế trong khi các nước quy định thẩm quyền của TPL rất đầy đủ (đặc biệt là trong công tác THADS). Do vậy cần học tập kinh nghiệm của các nước để ghi nhận một cách đầy đủ hơn các quyền hạn của TPL.
Cũng theo ông Thủy, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Luật THADS sửa đổi, trong dự thảo mới nhất lần đầu tiên đã ghi nhận và bổ sung thêm nhiều quyền hạn cho các TPL, Văn phòng TPL khi tổ chức THA, ra quyết định THA, đây là điều đáng mừng cho lĩnh vực TPL.
Chia sẻ về hoạt động tổ chức THA của TPL, ThS Hồ Quân Chính, Trưởng Bộ môn đào tạo các chức danh THADS (Học viện tư pháp Cơ sở TP.HCM) cho biết hoạt động xác minh điều kiện THA, tổ chức THADS của Văn phòng TPL ngày càng giảm, nhiều nơi gần như không thực hiện được dẫn đến mất cân đối trong hoạt động của Văn phòng và chưa hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong việc tổ chức THADS cùng với cơ quan THADS các cấp.
Nguyên nhân chính xuất phát từ thể chế, theo Nghị định 08/2020 hiện nay thì trong hoạt động THA thì TPL chỉ hỗ trợ cơ quan THADS xác minh điều kiện thi hành, tính chủ động khi tổ chức THA là rất hạn chế. Do đó, cần nâng cao hơn nữa vai trò của TPL trong tổ chức THA để chia sẻ gánh nặng với các cơ quan THA hiện nay.
Cần đăng ký vi bằng online trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành
Theo quy định tại khoản 4, Điều 39 Nghị định 08/2020 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng TPL phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng TPL đặt trụ sở để vào sổ đăng ký.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
Với thủ tục đăng ký vi bằng theo như quy định nêu trên thì các Văn phòng TPL đang mất rất nhiều công sức để thực hiện thủ tục này. Sau mỗi lần lập vi bằng thì phải đến Sở Tư pháp để nộp hồ sơ đăng ký vi bằng. Trong khi sắp tới đây sáp nhập các tỉnh, thành thì chắc chắn mỗi Văn phòng TPL khi đi đăng ký vi bằng sẽ phải vất vả hơn rất nhiều khi quãng đường di chuyển xa hơn.
Theo số liệu thống kê, trung bình một ngày công chức tại Sở Tư pháp TP.HCM tiếp nhận, đăng ký vào sổ khoảng 200-300 vi bằng; Sở Tư pháp TP Hà Nội trung bình một ngày tiếp nhận, đăng ký vào sổ khoảng 150 vi bằng... chưa kể đến các Sở Tư pháp phải bỏ chi phí để quản lý, lưu trữ các vi bằng này.
Do đó, yêu cầu cấp bách và ưu tiên sắp tới là cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép thực hiện đăng ký vi bằng online để tiết kiệm thời gian, công sức cũng như giảm tải áp lực công việc cho công chức của các Sở Tư pháp.
ThS Nguyễn Tiến Pháp, Phó Chủ tịch Hội Thừa phát lại TP.HCM, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn