Đề xuất xem xét lại quy hoạch phát triển vùng nông thôn, đô thị tại TPHCM
Sở QHKT TPHCM vừa báo cáo UBND TPHCM về định hướng các khu dân cư tại các vùng nông thôn và hướng xử lý về quy hoạch đối với các khu vực, cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà máy riêng lẻ nằm ngoài phạm vi quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và xen cài trong khu vực đô thị, nông thôn phục vụ công tác lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060.
Theo đó, đối với quy hoạch các khu dân cư tập trung, khu vực phát triển nông nghiệp tại các vùng nông thôn, Sở QHKT đã nêu ra các vấn đề mâu thuẫn cần giải quyết. Cụ thể, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã xác định phạm vi các khu vực đất làng xóm, đất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành là cơ sở pháp lý phục vụ công tác lập đồ án quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/2000.
![Nhà ở xã hội EHome Phú Hữu, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_17_51469049/19f15955681b8145d80a.jpg)
Nhà ở xã hội EHome Phú Hữu, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 định hướng là đất làng xóm, đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp, đất cây xanh, đất du lịch, đất ở đô thị. Như vậy, việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/2000 là chưa phù hợp định hướng quy hoạch. Mặt khác, trên thực tế, trong phạm vi các đồ án này rải rác đã hình thành một số khu vực có dân cư cư trú và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... Do đó, nhằm giải quyết các vấn đề này cần định hướng, sắp xếp lại các khu vực có chức năng ở, chức năng công cộng, các chức năng khác của đô thị và xác định ranh giới vị trí của khu vực đất nông nghiệp, lâm nghiệp trong đồ án quy hoạch.
Cũng theo báo cáo của Sở QHKT, hiện nay trên địa bàn thành phố còn tồn tại các cơ sở sản xuất phân tán (các khu vực, cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà máy riêng lẻ nằm xen cài trong khu vực đô thị, nông thôn) cần được xem xét cách thể hiện trong đồ án quy hoạch.
Cụ thể, hiện có hai nhóm, thứ nhất các cơ sở sản xuất hiện hữu ở 14 quận, huyện đang có khoảng 1.186 cơ sở sản xuất được thống kê có giấy phép hoạt động và được cấp giấy chứng nhận mục đích sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nhóm thứ hai là các cơ sở sản xuất đã có chủ trương của thành phố, đang xây dựng và dự kiến xây dựng. Về pháp lý quy hoạch, các cơ sở sản xuất phân tán nêu trên đều không phù hợp định hướng, chức năng sử dụng đất được duyệt theo các pháp lý quy hoạch hiện hành nhưng UBND các quận, huyện kiến nghị xem xét giữ lại một số cơ sở sản xuất không gây ô nhiễm trên địa bàn để góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân tại địa phương.