Phân cấp mạnh mẽ cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị
Chiều 13/02, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
![Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_624_51470251/e206968ca7c24e9c17d3.jpg)
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH
Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho hai Thành phố trong việc triển khai đầu tư, phát huy tính chủ động, tích cực của hai Thành phố; hiện thực hóa các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, dự thảo Nghị quyết gồm 11 Điều, quy phạm hóa 06 nhóm chính sách đặc thù về: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD ((mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng); phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho TP. Hồ Chí Minh.
Đối với nhóm chính sách về huy động nguồn vốn, Dự thảo Nghị quyết quy định, Thủ tướng Chính phủ được quyết định bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm cho địa phương; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên; huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập Đề xuất dự án.
HĐND thành phố có trách nhiệm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm vốn ngân sách địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án được bố trí vốn qua nhiều kỳ trung hạn, UBND thành phố được bố trí vốn để triển khai trước một số công việc phục vụ cho dự án (chuẩn bị, đầu tư, giải phóng mặt bằng...).
Về nhóm chính sách liên quan trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, Chính phủ đề xuất dự án đường sắt đô thị không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư mà được thực hiện ngay thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư.
Về nhóm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD, Chính phủ đề xuất quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch TOD được quyết định các chỉ tiêu khác với quy chuẩn để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.
UBND thành phố được quyết định chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch trong khu vực TOD. Khi lập quy hoạch chi tiết phương án tuyển công trình, vị trí công trình không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch có liên quan.
Tránh khoảng trống pháp lý trong huy động nguồn vốn
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các nhóm chính sách đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa các chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội cho phép trong thời gian qua tại Luật Thủ đô, Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Do đó, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ.
![Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_624_51470251/2f8f5705664b8f15d65a.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH
Đối với chính sách về huy động nguồn vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, Dự thảo Nghị quyết cần làm rõ, trong trường hợp giảm hoặc bổ sung thêm dự án so với danh mục dự án kèm theo Nghị quyết này thì số vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện dự án sẽ được xác định như thế nào, để tránh khoảng trống pháp lý trong quá trình triển khai, thực hiện.
Về lập tổng mức đầu tư, dự thảo gói thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Nghị quyết xác định có 2 loại dự án là dự án đường sắt đô thị và dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD. Theo đó, tại điểm a xác định loại dự án được áp dụng chính sách là dự án đường sắt đô thị và dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, tuy nhiên tại điểm b, c lại chỉ xác định là dự án. Mặt khác, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chỉ cho phép áp dụng chính sách này đối với dự án tuyến đường sắt, không bao gồm dự án thuộc khu vực TOD. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần thuyết minh, làm rõ hơn nữa về nội dung này.
Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, Dự thảo Nghị quyết quy định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án.
Theo cơ quan thẩm tra, đối với việc chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị là phù hợp, do tính chất đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ của loại dự án này. Tuy nhiên, đối với các dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD đề nghị cân nhắc thực hiện công tác chỉ định thầu để bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong việc khai thác, phát triển khu vực TOD.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung, làm rõ hơn sự cần thiết của quy định tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Nghị quyết và rà soát kỹ lưỡng để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình áp dụng pháp luật về đất đai.