DeepSeek là 'trái ngọt' trong 'vườn ươm' tài năng của Trung Quốc
DeepSeek cho thấy sự trỗi dậy của AI Trung Quốc, được thúc đẩy bởi giáo dục, đầu tư và kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu học thuật và ngành công nghệ.
Việc Trung Quốc ngày càng khẳng định vị thế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là điều xa lạ, nhưng thành công gần đây của DeepSeek - một trong những mô hình AI tiên tiến nhất của nước này đã trở thành minh chứng rõ ràng nhất cho sự trỗi dậy mạnh mẽ về giáo dục và công nghệ của Trung Quốc.
Thành công của DeepSeek
Theo một bài viết của The New York Times, DeepSeek không chỉ thể hiện năng lực nghiên cứu của Trung Quốc mà còn phản ánh chất lượng giáo dục nước này có thể đạt đẳng cấp quốc tế.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giáo dục, đặc biệt là các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Kết quả là số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm đã tăng gấp 14 lần trong hai thập kỷ qua, biến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có nguồn nhân lực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) lớn nhất thế giới.

DeepSeek. Ảnh: Security Week
Nhiều trường đại học tại Trung Quốc, như Đại học Thanh Hoa hay Đại học Bắc Kinh, hiện đã đạt đẳng cấp quốc tế. Không ít kỹ sư và nhà nghiên cứu làm việc tại DeepSeek cũng xuất thân từ các cơ sở giáo dục danh tiếng này. Giáo sư Yiran Chen từ Đại học Duke nhận xét: "Trung Quốc có rất nhiều nhà nghiên cứu và kỹ sư trẻ tài năng. Về mặt giáo dục, tôi không nghĩ có sự chênh lệch lớn giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực AI".
Các dữ liệu gần đây cũng phản ánh xu hướng này. Năm 2020, số sinh viên tốt nghiệp các ngành STEM ở Trung Quốc cao gấp bốn lần so với Mỹ. Riêng trong lĩnh vực AI, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã triển khai hơn 2.300 chương trình đào tạo bậc đại học, theo báo cáo của MacroPolo - một tổ chức nghiên cứu về Trung Quốc có trụ sở tại Chicago.
Đáng chú ý, đến năm 2022, gần một nửa số nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới từng theo học tại các trường đại học Trung Quốc, trong khi con số này tại Mỹ chỉ vào khoảng 18%. Dù phần lớn trong số họ vẫn đang làm việc tại Mỹ, nhưng ngày càng nhiều người quyết định quay trở lại quê nhà hoặc lựa chọn lập nghiệp ngay tại Trung Quốc.
Pavel Durov, nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram nhấn mạnh rằng môi trường học tập cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc chính là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nước này trong lĩnh vực AI.
Những thách thức của Trung Quốc trong cuộc đua AI
Không chỉ đầu tư mạnh vào giáo dục, Chính phủ Trung Quốc còn thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ. Theo Giáo sư Marina Zhang từ Đại học Công nghệ Sydney, mô hình này giúp Trung Quốc có lợi thế hơn so với phương Tây khi có thể nhanh chóng biến nghiên cứu học thuật thành ứng dụng thực tế.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng rót vốn khổng lồ vào các dự án nghiên cứu AI, đồng thời khuyến khích các học giả đóng góp vào các sáng kiến công nghệ quốc gia. Điều này giúp lĩnh vực AI của Trung Quốc phần nào tránh được tình trạng “chảy máu chất xám”, theo Giáo sư Yanbo Wang từ Đại học Hồng Kông (Trung Quốc).
"Với sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ, tôi tin rằng trong tương lai, ngày càng nhiều startup AI thành công sẽ xuất hiện tại Trung Quốc, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp này”, Giáo sư Yanbo Wang cho biết.

Giáo sư Yanbo Wang. Ảnh: HKU
Tuy nhiên, không phải lúc nào chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh cũng mang lại hiệu quả tuyệt đối. Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp kiểm soát đối với các tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba và Tencent nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của các “gã khổng lồ” này.
Chiến dịch siết chặt quy định này được khởi động vào năm 2020 với mục tiêu kiểm soát dữ liệu, tăng cường an ninh mạng và bảo vệ lợi ích của nhà nước. Mặc dù điều này giúp chính quyền giữ quyền kiểm soát đối với nền kinh tế số, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức cho các công ty công nghệ trong việc thu hút vốn đầu tư và mở rộng quy mô.
Giáo sư Yanbo Wang nhận định: "Khả năng cạnh tranh lâu dài của Trung Quốc trong lĩnh vực AI không chỉ phụ thuộc vào hệ thống giáo dục STEM, mà còn liên quan đến cách chính phủ đối xử với các nhà đầu tư và doanh nghiệp công nghệ".
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải đối mặt với sức ép từ Mỹ trong cuộc đua AI như việc cấm xuất khẩu chip tiên tiến và công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc.
Bất chấp những rào cản này, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực tự chủ công nghệ, tăng cường đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn và nghiên cứu AI thế hệ mới. Một số công ty như Huawei và ByteDance đã chứng minh khả năng thích ứng và đổi mới, trong khi các startup AI mới nổi như DeepSeek đang cho thấy tiềm năng cạnh tranh trực tiếp với những ông lớn như OpenAI hay Google DeepMind.
DeepSeek đã tận dụng các mô hình mã nguồn mở chi phí thấp để tạo ra một làn sóng ứng dụng AI mạnh mẽ trong nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn, nhà phát triển chip nội địa, cùng các nhà sản xuất robot, máy tính xách tay và xe điện đã nhanh chóng tích hợp các giải pháp của DeepSeek. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng lan tỏa của công nghệ mà công ty phát triển.
Quan trọng hơn, DeepSeek đã giúp Trung Quốc trở thành một nhà cung cấp giải pháp AI tại các thị trường quốc tế như Đông Nam Á, châu Âu và Nga. Đây không chỉ là chiến thắng về mặt công nghệ, mà còn là bước tiến chiến lược trên phương diện thương mại và địa chính trị.