Deepseek, Nvidia và cuộc chiến công nghệ khốc liệt

Với mô hình ngôn ngữ lớn R1, Deepseek được coi là phát súng mở màn cho sự bùng nổ của các công cụ AI khác trên thế giới. Điều này có thể đe dọa tới ngôi vị đầu của Nvidia.

Theo Tiến sĩ Ngô Di Lân, cú sốc cổ phiếu của Nvidia phản ánh thực tế rằng vị thế dẫn đầu trong công nghệ không đồng nghĩa với sự chắc chắn tuyệt đối.

Chia sẻ tại buổi ra mắt sách Trò chơi quyền lực vào tối ngày 8/2, ông cho rằng trong ngắn hạn, việc giá cổ phiếu Nvidia phục hồi là điều tất yếu. Tuy nhiên, về dài hạn, tương lai của gã khổng lồ này không còn vững chắc như trước, bởi trong ngành công nghệ, việc đi đầu chưa chắc đã mang lại lợi thế tuyệt đối.

Những trường hợp như cú sốc Deepseek sẽ xảy ra

Từ góc nhìn của một người nghiên cứu về AI với các chính sách đối ngoại, TS Ngô Di Lân nhận định lịch sử cho thấy những công ty thuộc nhóm tiên phong phải chịu chi phí nghiên cứu và thử nghiệm rất lớn.

Ngược lại, những đối thủ đi sau nhưng vẫn đủ gần với nhóm dẫn đầu có thể tận dụng thành quả mà không cần trả giá đắt. Deepseek của Trung Quốc là một trường hợp như vậy, những người tạo ra nó có thể đã sở hữu một loại chip AI chưa được công bố.

 TS Ngô Di Lân. Ảnh: FBNV.

TS Ngô Di Lân. Ảnh: FBNV.

Thông tin ban đầu cho rằng Deepseek R1 được phát triển với chi phí thấp, không cần đến các công nghệ tối tân. Điều này khiến giới đầu tư hoang mang, dẫn đến sự mất giá của cổ phiếu các công ty công nghệ Mỹ.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của Deepseek hay mô hình ngôn ngữ lớn R1 còn phụ thuộc vào tính chính xác của thông tin về chi phí huấn luyện mô hình này. Nếu xuất hiện bằng chứng cho thấy Deepseek thực chất đã tiêu tốn hàng tỷ USD - thay vì con số vài triệu USD được công bố - thị trường có thể phản ứng theo hướng khác.

“Không nhất thiết các cú sốc công nghệ sắp tới phải đến từ Mỹ hay Trung Quốc - Deepseek chỉ là phát súng mở màn”, TS Ngô Di Lân nói.

Sự kiện giữa Nvidia và Deepseek cho thấy giới công nghệ toàn cầu đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn. Sự tự tin quá mức vào vị thế của các ông lớn có thể trở thành con dao hai lưỡi. Dù Nvidia vẫn đóng vai trò quan trọng trong ngành, nhưng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, sự thận trọng là điều cần thiết. Những cú sốc tương tự Deepseek có thể tiếp tục xảy ra, định hình lại cuộc đua công nghệ toàn cầu trong thời gian tới.

Sự phân tách về công nghệ toàn cầu

Trong tác phẩm Trò chơi quyền lực, TS Ngô Di Lân cho rằng Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng, mở rộng từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) sang chuỗi cung ứng, nền tảng số và tiêu chuẩn công nghệ. Một số chuyên gia khác cũng kết luận rằng thế giới đang tiến tới một sự phân tách công nghệ toàn cầu, nơi hai hệ sinh thái độc lập hình thành với những định hướng khác nhau.

Mỹ tập trung vào đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và duy trì lợi thế công nghệ. Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh triển khai AI trên quy mô lớn, tận dụng lợi thế về dữ liệu và thị trường nội địa để mở rộng ảnh hưởng. Cuộc chạy đua không chỉ diễn ra giữa các tập đoàn lớn như Nvidia, OpenAI, DeepMind với Baidu, Huawei, SenseTime mà còn tác động sâu rộng đến nhiều quốc gia khác. Những nền kinh tế phụ thuộc vào công nghệ Mỹ nhưng lại có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, như Ấn Độ hay các nước Đông Nam Á, đứng trước áp lực phải lựa chọn chiến lược phù hợp.

 Cuốn sách Trò chơi quyền lực mới ra mắt của Omega+. Ảnh: Ngô Di Lân.

Cuốn sách Trò chơi quyền lực mới ra mắt của Omega+. Ảnh: Ngô Di Lân.

Sự phân tách này đã mở rộng sang không gian số. Các hệ sinh thái mạng xã hội, thanh toán điện tử, điện toán đám mây đang phát triển theo hai hướng khác nhau. Trong khi Mỹ và đồng minh thúc đẩy tiêu chuẩn công nghệ mở, Trung Quốc tập trung xây dựng các nền tảng nội địa với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Viễn cảnh về một thế giới bị chia rẽ theo hai trục công nghệ mở ra và ảnh hưởng đến dòng chảy hợp tác quốc tế.

Các liên minh công nghệ cũng đang định hình lại địa chính trị. Mỹ dẫn đầu các sáng kiến như Chip 4 với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Trong khi đó, AUKUS với Anh và Australia tập trung vào công nghệ quân sự tiên tiến. Trung Quốc đáp trả bằng việc tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển, cung cấp giải pháp AI và viễn thông thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường.

TS Ngô Di Lân nhận định các nước phát triển cần một chiến lược riêng hướng tới nghiên cứu phát triển, nâng cao năng lực nội tại để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một hệ sinh thái công nghệ duy nhất.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuong-lai-cua-nvidia-khong-con-chac-chan-nhu-truoc-post1530268.html