Deloitte: Châu Á được lợi nhiều từ quá trình khử carbon
Theo Deloitte, các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể bổ sung thêm 47 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2070 và tạo ra 180 triệu việc làm vào năm 2050 nếu nắm bắt cơ hội từ quá trình khử carbon.
Báo cáo của hãng kiểm toán có trụ sở tại Anh cũng chỉ ra rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình này.
Trong tổng số lực lượng lao động của Trung Quốc, 48% làm việc trong các ngành dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Tỷ lệ này ở Ấn Độ là 43%, theo chỉ số dễ bị tổn thương của Deloitte có trong báo cáo.
“Một nền kinh tế như Trung Quốc sẽ mất mát nhiều nhất từ biến đổi khí hậu vì quy mô và cơ cấu công nghiệp của nó... Nếu Trung Quốc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, họ sẽ được lợi nhiều nhất”, Pradeep Philip, người đứng đầu Deloitte Access Economics tại Úc, cho biết.
Theo báo cáo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ các ngành công nghiệp phát thải cao đồng nghĩa với việc hàng triệu công nhân và cộng đồng của họ phụ thuộc vào các giải pháp thay thế không phát thải.
Hơn nữa, gần 2/3 số việc làm trong ngành năng lượng tái tạo của thế giới là ở châu Á, trong đó riêng Trung Quốc chiếm 42% tổng số việc làm toàn cầu vào năm 2021, theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (Irena) cho biết vào tháng 9 năm ngoái.
Cơ quan này cho biết thêm rằng rằng việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đạt 12,7 triệu vào năm 2021 trên toàn thế giới, tăng 700.000 việc làm mới.
Philip cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng lớn trong công việc đầu nguồn và cuối nguồn liên quan đến năng lượng tái tạo. Điều đó sẽ thúc đẩy các lĩnh vực then chốt ở Trung Quốc, như lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực giao thông và tất nhiên, thậm chí cả lĩnh vực xây dựng...".
Theo báo cáo của Deloitte, Trung Quốc đã thành lập 21 chương trình đại học liên quan đến khí thải carbon cao nhất và trung hòa carbon, cùng 42 trường cao đẳng đào tạo nhân tài về trung hòa carbon.
Mai Anh (theo SCMP)