Đem cá tầm lên núi nuôi lấy trứng, giá 40 triệu đồng/kg
Trứng cá tầm là món cao cấp với giá bán đắt đỏ lên tới 40 triệu đồng/kg. Loại cá này đang được nuôi ở nhiều vùng núi của nước ta, sản lượng trứng đạt 3 tấn một năm.
Cá tầm là loại cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao, nhất là trứng cá tầm muối (caviar) được ưa chuộng trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Ở nước ta, từ năm 2004-2005, trứng cá tầm đã thụ tinh được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nhập khẩu về nuôi thử nghiệm thành công tại huyện Sa Pa (Lào Cai). Năm 2006, cá tầm được đưa vào nuôi thử nghiệm tại Lâm Đồng.
Hiện nay, cá tầm được nhân rộng ra nuôi tại 21 tỉnh, chủ yếu là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Sản lượng cá tầm từ 75 tấn năm 2007 tăng mạnh lên 4.303 tấn năm 2023. Ước 6 tháng đầu năm nay, sản lượng loại cá này đạt gần 2.000 tấn.
Lâm Đồng và Lào Cai là vùng nuôi cá tầm trọng điểm, tập trung nhiều cơ sở nuôi có quy mô lớn ở nước ta. Trong đó, sản lượng của Lâm Đồng năm 2021 đạt 1.200 tấn, năm 2022 là 1.500 tấn và năm 2023 đạt 2.297 tấn; còn sản lượng cá tầm ở Lào Cai qua các năm lần lượt đạt 239 tấn, 757 tấn và 665 tấn.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, toàn tỉnh có khoảng 109 cơ sở nuôi cá nước lạnh chủ yếu là cá tầm, với tổng diện tích khoảng 54ha và 640 lồng, bè trên hồ thủy lợi, thủy điện. Doanh thu từ con cá tầm ước đạt 450 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào giá trị sản xuất ngành thủy sản, tăng thu nhập cho các tổ chức, cá nhân và phát triển kinh tế địa phương.
Hàng năm, các cơ sở còn sản xuất trên 5 triệu con cá tầm giống phục vụ cho nhu cầu nuôi tại địa phương và xuất bán cho một số tỉnh trong cả nước, ông Châu cho hay.
Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới, gồm: Trung Quốc, Nga, Italia, Bulgaria, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức.
Ngoài nuôi cá thương phẩm, nhiều trang trại cá tầm trên núi ở nước ta còn nuôi cá khai thác trứng để đưa vào chế biến thành sản phẩm cao cấp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Năm 2020, sản lượng trứng cá tầm đã qua chế biến của cả nước ước đạt 3 tấn. Vùng nuôi cá tầm lấy trứng và chế biến caviar tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng. Trên địa bàn tỉnh này, các cơ sở vừa đầu tư nuôi thương phẩm, vừa phát triển một số giống cá tầm để chế biến dòng sản phẩm caviar.
Vài năm trở lại đây, các cơ sở tại Lâm Đồng đã đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến trứng cá tầm nuôi để bán ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo đó, sản lượng trứng cá tầm do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sản xuất liên tục tăng. Cụ thể, năm 2017 sản lượng đạt 1 tấn, đến năm 2020 đạt khoảng 2 tấn. Công nghệ chế biến caviar đóng hộp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.
Trứng cá tầm Việt Nam bán ra với giá khoảng 40 triệu đồng/kg trên thị trường, rẻ hơn so với các loại trứng cá tầm muối nhập khẩu.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất caviar lớn nhất thế giới, theo sau là các quốc gia châu Âu gồm Nga, Italia, Pháp, Ba Lan và Đức.
Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), xu hướng tiêu thụ trứng cá tầm ngày càng tăng. Hiện nay, tổng nhu cầu tiêu thụ trứng cá tầm trên thế giới khoảng 2.000 tấn mỗi năm.
Trứng cá muối và các sản phẩm thay thế trứng cá muối gần đây ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Thương mại cá tầm và trứng cá muối trong tương lai đầy hứa hẹn, bởi các trang trại cá tầm và thị trường tiêu dùng đang nhanh chóng mở rộng trên toàn cầu.
Nếu việc sản xuất trứng cá muối tiếp tục theo xu hướng hiện nay, nguồn cung trứng cá muối có thể vượt nhu cầu của người tiêu dùng. Tỷ lệ sản xuất trứng cá muối cao, cùng với việc đa dạng hóa các nguồn trứng cá muối, cho phép tiếp cận nhiều hơn với thị trường trứng cá muối truyền thống sang trọng này.
Theo đó, trứng cá muối sẽ không còn đắt đỏ. Bằng cách giảm giá, người tiêu dùng có thu nhập trung bình có thể trở thành khách hàng của trứng cá muối.