Đêm không ngủ

Đêm 30.4.1975, những người làm công tác thông tin cơ sở không ngủ để tổ chức chương trình cổ động đặc sắc mừng ngày giải phóng Sài Gòn và hòa chung niềm vui thống nhất non sông.

Bức tranh cổ động được những người làm thông tin cơ sở phóng to để treo tường tuyên truyền sau ngày giải phóng miền Nam

Bức tranh cổ động được những người làm thông tin cơ sở phóng to để treo tường tuyên truyền sau ngày giải phóng miền Nam

Làng quê sôi động

Khoảng đầu năm 1975, Ty Thông tin tỉnh Hải Hưng mở lớp bồi dưỡng thông tin cổ động cho công tác tuyên truyền cơ sở 30 ngày ở Mỹ Hào. Tiếp đến, Tổng cục Thông tin tổ chức “Hội thi thông tin cơ sở toàn miền Bắc” tại Hội trường tỉnh Hải Hưng (nay là trụ sở Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh). Hàng trăm thông tin viên xuất sắc được lựa chọn từ Quảng Bình-Vĩnh Linh tuyến lửa trở ra đến các tỉnh biên giới Tây Bắc và Đông Bắc… đã mang hàng trăm tiết mục thông tin, triển lãm nhỏ, tuyên truyền miệng, văn nghệ cổ động... đa sắc màu, phong phú của các vùng miền về hội thi khoe tài. Chỉ xem những tiết mục này cũng thấy một không khí hừng hực sức sản xuất và chiến đấu của đất nước đang vào giai đoạn toàn thắng.

Quả thế, ở miền Nam cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân mở màn bằng chiến dịch Tây Nguyên từ ngày 4.3.1975, đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên, rồi như cơn hồng thủy nhanh chóng tràn xuống các tỉnh ven biển miền Trung. Rồi các binh đoàn chủ lực tiến sâu về phía nam. Tất cả đều hướng tới Sài Gòn.

Những tháng năm sôi động ấy, tôi đang làm Trưởng ban thông tin xã, được hòa mình và chứng kiến giờ phút đầy cảm xúc, khi nhận tin giải phóng Sài Gòn từ một làng quê, mà đến nay đã gần nửa thế kỷ vẫn còn như mới hôm qua.

Thời chiến tranh, phương tiện thông tin thật nghèo nàn. Nhưng hoạt động ở cơ sở thì lại rất đa dạng. Hầu như khắp các xóm làng, trong nhà máy, ngoài ruộng đồng, ở trường học, tường kho HTX nông nghiệp, đầu hồi nhà dân, nơi nơi đều treo khẩu hiệu hành động "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” hoặc "Tất cả để giải phóng miền Nam”... Xã có điều kiện thì xây bảng tin, vẽ tranh cổ động. Còn thường là mua cót nứa, quét vôi kẻ khẩu hiệu căng qua ngõ thôn.

Ở xã Cổ Thành (Chí Linh) trên sườn núi Ông Sư, người ta còn xếp đá hộc thành dòng chữ khổng lồ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Rồi quét vôi trắng, khiến cho người ở xa đến vài cây số vẫn đọc được.

Ngày ấy, Ban thông tin xã được phát tờ báo Nhân Dân và báo Hải Hưng làm “cẩm nang”, là công cụ tuyên truyền. Chúng tôi chọn từng tấm ảnh trên các báo cắt ra rồi biên tập, sắp xếp thành câu chuyện, dán trên băng rôn đỏ, mang đến sân kho HTX nông nghiệp để triển lãm, tuyên truyền miệng và xen kẽ đọc tin, rồi ngâm thơ ca, phục vụ nông dân…

HTX rất nghèo, chi phí eo hẹp, chúng tôi chỉ dám mua loại vải màn rẻ tiền, rồi đến cửa hàng nhuộm xin bột về pha màu làm các tấm khăn múa cho chị em đội văn nghệ. Thế mà cũng xanh đỏ, tím vàng rất đẹp. Bài hát thì phải tự biên, theo làn điệu chèo như “Sắp qua cầu”, “Lới lơ", nội dung tả cảnh vui mừng vụ lúa bội thu, tả những nỗi lòng người mẹ, người vợ mong mỏi đợi tin chiến thắng trở về, gia đình đoàn tụ…

Giản dị như thế, nhưng bà con xã viên rất thích, vì họ được nghe chính con em họ hát, lại hát về làng quê, toàn chuyện người thật việc thật…

Một ngã ba nơi tụ điểm dân cư đông đúc ở trong xã, được chọn làm một “chòi phát thanh thời chiến” có cụm tin, dựng cổng chào, căng khẩu hiệu, phóng tranh to, như “Tiến lên toàn thắng ắt về ta" và “Quân và dân miền Nam thừa thắng xông lên”. Lại tận dụng được bức tường cao, rộng của nhà dân vẽ tấm bản đồ Việt Nam cỡ lớn. Hằng ngày nghe đài đưa tin giải phóng tỉnh nào, chúng tôi tô màu đỏ vào tỉnh đó. Đi qua đây, người dân ít chữ xem cũng biết là quân ta sắp tiến vào Sài Gòn...

Tấm pa nô chỉ để trống ngày giải phóng

Từ ngày 27.4, Đài Tiếng nói Việt Nam liên tiếp báo tin giải phóng, tín hiệu ngày toàn thắng đang đến rất gần. Chúng tôi nghĩ ra cách “đón lõng” là chuẩn bị một pa nô lớn, kẻ chữ to “Nhiệt liệt chào mừng, ngày... tháng… năm 1975 Sài Gòn giải phóng!”. Riêng con số để trống, dựng vào góc nhà, đợi chờ…

Trưa 30.4, khi Đài Tiếng nói Việt nam phát tin “Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng!”. Những con số còn để trống được nhanh chóng điền vào pa nô và treo lên vị trí cao ở ngã ba đường.

Không thể tả hết nỗi vui sướng của những người đi qua ngã ba năm ấy. Hầu như tất cả đều dừng lại ngước nhìn cụm thông tin cổ động. Họ bàn tán, luận bàn. Ai nấy đều mừng vui. Nhiều con mắt đỏ hoe tủi mừng, xúc động. Tôi đã thấy một cụ già lưng còng (có lẽ không biết chữ) đứng nghe người xung quanh đọc tin, bàn tán mà giàn giụa nước mắt. Tôi chứng kiến, một bác nông dân vừa đọc dòng chữ bảng tin, bỗng quay đi với đôi mắt đỏ hoe… Niềm vui bất ngờ cũng làm thành nước mắt?

Đêm ấy, đội thông tin tập trung về “chòi phát thanh thời chiến” tổ chức một chương trình cổ động đặc sắc chào mừng ngày giải phóng Sài Gòn. Thoạt đầu tập thể đồng ca bài “Giải phóng miền Nam", đệm bằng đàn măng đô lin, sau gõ ba hồi kẻng thật dài, rồi đọc tin chiến thắng giải phóng Sài Gòn…

Đêm 30 tháng tư năm 1975, đêm không ngủ, đêm lịch sử của dân tộc, cũng là một ký ức không thể nào quên của người làm thông tin cổ động ở hậu phương.

Thấm thoắt đã 47 năm!

KHÚC HÀ LINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/dem-khong-ngu-202237