Đêm Mộc Dục ở núi Sam
Đêm hôm qua (20/5, nhằm 23/4 âm lịch), rạng sáng nay (21/5, nhằm 24/4 âm lịch), miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP. Châu Đốc) có một đêm rực rỡ, chẳng ai nỡ ngủ. Bởi, đây là đêm thực hiện nghi lễ tắm Bà, sự kiện đặc biệt trọng đại trong cao điểm Vía Bà hàng năm.


Mấy hôm nay, miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam lúc nào cũng trong tình trạng đông đảo khách du lịch, hành hương tìm đến, cả ngày lẫn đêm. Họ nán lại tận khuya, chờ chứng kiến Lễ tắm Bà. Nghi thức tắm và thay áo Bà được tổ chức định kỳ 2 tuần/lần, nhưng Lễ tắm Bà vào đêm 23, rạng sáng 24/4 (âm lịch) được mong chờ nhiều nhất.

Trời càng về khuya, lượng khách đổ về chánh điện miếu Bà càng đông. Tuy nhiên, đã có kinh nghiệm quản lý hàng chục năm nay, Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam bố trí lực lượng, hướng dẫn vị trí cho du khách và người cúng lễ, đảm bảo buổi lễ diễn ra trật tự, an toàn và nghiêm trang nhất có thể.


Khoảng 23 giờ, nước tắm Bà (được nấu từ 9 loại hoa, pha cùng nhiều loại nước hoa ngào ngạt), rất nhiều khăn lau (do khách phụng cúng) được đưa vào bên trong.


Những món vật phẩm dâng cúng Bà, phục vụ buổi lễ được đưa ra, sắp xếp ngay ngắn trong chánh điện. Tất cả công đoạn chuẩn bị phải được hoàn tất trước 23 giờ 30 phút.


Bà Nguyễn Thị Ánh Vương (Đội trưởng Đội thờ tự, Tổ trưởng Tổ tắm Bà) cẩn thận đem nhiều vật dụng quý giá của khách dâng cúng Bà. Nổi bật nhất là 4 chén vàng, 4 đôi đũa vàng, tổng trọng lượng hơn 180 chỉ vàng 9999; 999 đồng xu vàng, khắc chữ “Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam - Châu Đốc - An Giang”, “Chúa Xứ Thánh Mẫu”.

Không thể thiếu vắng sự xuất hiện của sợi chuỗi 162 lượng vàng trứ danh. Sợi chuỗi được thiết kế 3 lớp, do một công ty vàng bạc đá quý ở TP. Hồ Chí Minh chế tác năm 2014.

Hoa văn trên hạt chuỗi chủ có hình chim phụng phun những hạt châu nhỏ, được kết thành dây, tỏa ra nhiều hướng, với ý nghĩa “phun châu nhả ngọc”, thể hiện hàm ý Bà Chúa Xứ luôn ban phước lành đến bá tánh khắp thế gian. Bảo vật này chỉ được mang ra đeo cho Bà Chúa Xứ vào ngày 14, 15, 29 và 30 âm lịch hàng tháng. Riêng dịp lễ Vía Bà, du khách thỏa thích chiêm ngưỡng liên tục 4 ngày, từ thời điểm tắm Bà đến ngày 27/4 (âm lịch).


Sau khi mọi thứ được chuẩn bị tươm tất, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, sở ngành, địa phương cùng tham dự, dâng hương, dâng trà cho Thánh Mẫu.

Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam và các thành viên phụ trách nghi lễ tiến hành dâng hương, xin phép trước khi tắm Bà.


Đúng 0 giờ, bức màn nhung đỏ được kéo ngang bệ thờ, che kín khu vực đặt tượng lẫn gian thờ Bà. 9 người phụ nữ bắt đầu tiến hành lần lượt quy trình tắm Bà, Nhị vị cô nương (còn gọi là bàn thờ Cô), Thập trụ công tử (còn gọi là bàn thờ Cậu) ở hai bên Bà.

Tổ tắm Bà sẽ dùng khăn mới của Ban Tế lễ, khăn của khách thập phương dâng cúng, nhúng vào các chậu nước hoa, vắt khô rồi lau lên cốt tượng. Kế đó là mâm nước hoa được khách dâng lên cúng, mỗi chai được mở ra xịt một ít lên tượng Bà, biểu trưng cho việc Bà đã nhận lễ, sau đó sẽ được trả lại cho khách cúng.

Công đoạn cuối cùng là khoác lên cốt tượng bộ áo, mão đẹp, quý giá; đeo sợi chuỗi 162 lượng vàng. Toàn bộ quy trình kéo dài gần 1 giờ đồng hồ, bởi lượng khăn và nước hoa khách dâng cúng rất nhiều. Trang phục mặc cho Bà cũng nhiều lớp, được may thêu tỉ mỉ. Chiếc mão nặng 3 - 4 người khiêng… Tất cả nhằm mang đến vẻ ngoài lộng lẫy nhất cho Bà.


Gần 1 giờ 30 phút, tấm màn nhung được kéo ra, Bà Chúa Xứ xuất hiện bừng sáng cả chánh điện, uy nghi nhưng vẫn rất hiền từ. Lúc này, khách đến lễ Bà được tự do chiêm ngưỡng, khấn vái, xin lộc…

Người dự lễ ùa vào chánh điện, mong được là người đầu tiên làm lễ và thấy được “dung nhan mới” của Bà. Hương khói lan tỏa hòa quyện trong hương thơm của các loài hoa, nước hoa, cùng với lòng thành kính trong tâm thức của mỗi người đã tạo nên một không gian thiêng mầu nhiệm của buổi lễ tắm Bà.


Nghi lễ tắm Bà không chỉ là việc tắm rửa cho tượng Bà, mà còn biểu thị sự tinh khiết, làm mới và khởi đầu cho những điều may mắn. Những người tham dự lễ đa phần quan niệm rằng: Được nhìn thấy Bà, được lễ Bà sau Lễ tắm Bà, là điều rất may mắn. Lễ tắm Bà vừa là một phần của lễ hội, vừa là biểu tượng của sự tôn kính, lòng tin và sự gắn kết cộng đồng
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dem-moc-duc-o-nui-sam-a421195.html