Đêm nhạc tưởng nhớ Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên
Tròn 1 năm sau ngày Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên đi xa, gia đình bà và các nghệ sĩ Học viện Âm nhạc Quốc gia tổ chức một đêm nhạc với sự góp mặt của nhiều thế hệ học trò, với ý tưởng một 'gia phả' piano với gốc đầu tiên là 'cây đại thụ' - Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên. Đặc biệt, đêm nhạc còn có sự tham gia của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn, người con trai tài năng của bà .
Đêm nhạc mang tên “Tiếng đàn còn mãi ngân vang”, có sự tham gia của các giảng viên - nghệ sĩ khoa Piano Học viện Âm nhạc Việt Nam, đại diện cho các thế hệ giảng viên - học trò của khoa.
Từ những lứa học trò đầu tiên được học bà trực tiếp, nay đã ở tuổi 80 như Nhà giáo Ưu tú Kim Dung và Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Minh đến những thế hệ trẻ - giảng viên chủ chốt của Khoa hôm nay, những học trò của học trò như TS Đào Trọng Tuyên, Trưởng khoa, PGS TS Nguyễn Huy Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện...
Từ những học trò - con như GS, Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà đến cháu, chắt của bà như những tiếng đàn được ngân vang bất tận. Đặc biệt, phần II của chương trình là món quà đặc biệt của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn dành tặng cho Mẹ với những bản nhạc ưa thích của bà.
Nói về ý nghĩa của đêm nhạc, TS, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia cho biết, đây là sự kiện đặc biệt của Học viện, là dịp để tưởng nhớ và tri ân đến một người bà, người cô, người thầy, một cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam. Bà là 1 trong 7 người sáng lập ra trường Âm nhạc Việt Nam, tiền thân của Học viện.
Thành lập trường âm nhạc là ước nguyện lớn nhất của Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên từ những năm tháng chiến tranh. GS, Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà, con gái của Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên kể lại, khi bà từ chiến khu về Hà Nội, trong điều kiện khó khăn gian khổ, ngay từ những ngày đầu tiên bà đã mong muốn thành lập trường Âm nhạc Việt Nam. Điều này cũng là chủ trương của Nhà nước ta. “Con đường chúng ta đi hơi khác với các nước. Các nước khi kinh tế vững chắc, phát triển mới tính chuyện xây dựng trường văn hóa nghệ thuật. Chúng ta xác định con đường đi lâu dài từ lúc khó khăn” - GS, Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà chia sẻ.
Kiến trúc sư Trần Thanh Bình - con trai cả của Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên cho biết, cách đây gần 2 năm, khi bà qua đời, mấy anh chị em trong nhà vẫn đau đáu về việc tổ chức một sự kiện tưởng nhớ bà, nhưng cần chọn khoảng thời gian nào không xa quá, cũng không gần quá để tránh những ảnh hưởng từ cảm xúc. Trong gia đình cũng đã thống nhất sự kiện tưởng niệm sẽ diễn ra vào dịp cuối năm 2024, quan trọng là phụ thuộc vào lịch làm việc của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn - người đóng góp phần quan trọng trong chương trình.
Kiến trúc sư Trần Thanh Bình cũng cho biết, hình ảnh chủ đề đêm nhạc với Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên ngồi bên cây đàn dương cầm được chọn từ đêm nhạc “Trăm mùa thu vàng”- kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên, năm 2017.
Điểm đặc biệt nhất của chương trình là sự hiện diện của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn sau nhiều năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Kiến trúc sư Trần Thanh Bình cho biết, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn sẽ có 40 phút kể chuyện bằng âm nhạc để tặng mẹ những bản nhạc không đề và chưa được tiết lộ. Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn chỉ cho biết, đây là những bản nhạc mà mẹ thích nhất và có ý nghĩa với mẹ.
Là một trong những học trò xuất sắc của Nhà giáo Nhân dân, GS Trần Thu Hà và rất thân thiết với gia đình, TS Đào Trọng Tuyên, Trưởng khoa Piano của Học viện Âm nhạc Việt Nam cho biết, chương trình được cấu trúc thành hai phần, với phần đầu là sự nối tiếp của các thế hệ, từ những lứa học trò đầu tiên của Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên cho đến những thế hệ học trò sau này. Sự tiếp nối này không chỉ thể hiện ở những nghệ sĩ thầy và trò tham gia chương trình, mà còn ở những tác phẩm độc tấu, song tấu piano, từ bốn tay cho đến sáu tay, tám tay, 4 đàn… Và phần 2 chính là câu chuyện của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn.
PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi được tham gia chương trình, dù không học trực tiếp bà nhưng cô giáo của tôi là Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà, có sự ảnh hưởng lớn tới tôi. Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên đã để lại di sản đồ sộ cho nhiều thế hệ học sinh, và một trong những học trò thành công nhất chính là người con trai của bà, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn. Thế hệ tiếp theo, NSND Thu Hà cũng tận tụy hết sức, cả cuộc đời cống hiến cho Nhạc viện. Được tham gia “hệ gia phả” nghệ sĩ piano là một điều niềm vinh dự lớn của tôi. Phần biểu diễn của tôi chơi nhiều nốt nhất, nên tôi phải cố gắng”.
Đêm nhạc “Tiếng đàn còn mãi ngân vang” mang chủ đề xuyên suốt là tiếng đàn của Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên còn mãi ngân vang. Như lời con trai bà, Kiến trúc sư Trần Thanh Bình nói: “Chúng tôi muốn gửi thông điệp, bà tuy đã đi xa nhưng tiếng đàn của bà vẫn truyền lại đến các thế hệ về sau”.
Đêm nhạc “Tiếng đàn còn mãi ngân vang” tưởng niệm Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên diễn ra vào 19 giờ 30 thứ bảy 28/12 tại Phòng Hòa nhạc Lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dem-nhac-tuong-nho-nghe-si-nhan-dan-thai-thi-lien-post852316.html