Đêm qua là đêm gì

Thỉnh thoảng ghé quán cà phê đầu ngõ, nhâm nhi và nhìn người qua lại. Sáng nay như bao sáng, cái ngõ lao động này đã tất bật từ sớm. Yên vị và cháu gái chủ tiệm biết khẩu vị, đã đon đả mang ra tách trà pha nóng.

Ảnh do tác giả lựa chọn

Ảnh do tác giả lựa chọn

- Chúc cháu gái nhé, Phụ nữ Việt Nam thật sướng có được hai ngày riêng để vui trong năm, hôm qua nhận được nhiều quà không?

- Cháu cảm ơn ạ, cũng bình thường thôi ạ.

Đêm qua mưa, trời hôm nay cũng có dấu hiệu mưa trở lại, được cái mát mẻ, hơi se lạnh. Đã cuối Thu rồi đấy.

- Cháu chào chú

Quay lại, nhận ra người quen lái tắc xi, thuê nhà trong ngõ.

- Ngồi uống cà phê đi cháu.

- Dạ cháu xin phép chú, lâu rồi không được uống nước, nói chuyện cùng chú.

- Ừ, ngồi xuống đi.

Thế rồi hai chú cháu uống cà phê, và anh ta kể cho nghe câu chuyện đêm qua:

" Tiếng chuông báo cuốc xe lại đổ, màn hình điện thoại báo nơi cần đến, cháu nhấp vào để kết nối vị trí. Có cuộc gọi từ người đặt xe, giục giã, mong tới ngay, vì cần đưa người đi gấp. Đến đầu hẻm, đã thấy nhốn nháo, hai người đang dìu một người phụ nữ, chiếc áo gió đi xe máy rộng thùng thình trùm kín mặt tới chân. Cô ta bước đi khó nhọc, mấy người khác ồn ào chạy đến, mở cửa và đưa nhóm người vào xe. Trực chỉ bệnh viện, cháu vội vã đưa nhóm người đến khoa cấp cứu Viện Bỏng.

Nhìn qua gương chiếu hậu, ba người phụ nữ ngồi hàng ghế sau, họ đang ôm nhau. Người ở giữa đang khóc, tiếng khóc tức tươi, cố kìm nén nhưng không thể được, cứ ứ nghẹn rồi trào ra. Họ động viên cô gái ấy, rồi lại chửi: Thằng chó chết, thằng dã man, cho nó vào tù, quân khốn nạn...

Đã đến Khoa cấp cứu, họ đưa bệnh nhân vội vã vào. Cháu kiểm tra xem hành khách có để quên gì không, đóng các cửa xe và rời đi, thì một cô quay lại nói: Nhờ anh chờ cho một lát, vì lúc nãy vội đi không ai cầm tiền theo, em đã gọi người mang đến đây trả. Cô ấy giải thích thêm là: Chúng em cũng là người trong xóm trọ, thấy cô ấy bị nạn nên đưa cô ấy đi cấp cứu, mong anh thông cảm.

- Ôi, không có gì đâu, không phải trả tiền cuốc xe này đâu.

- Xin anh đợi chút nữa đi ạ.

Cô gái nằn nì.

- Cô đừng băn khoăn, hãy vào với bạn đi, có đáng là bao mà cô phải nghĩ ngợi.

- Dạ, chúng em thấy cô ấy bị tên người yêu cũ đến rủ đi chơi, cô ấy không đồng ý, hắn nghĩ cô có người khác nên cãi nhau, rồi hắn làm càn, đổ cả phích nước sôi lên người cô ấy.

- Ủa, có cả chuyện tày trời thế cơ à, Tôi cũng giúp cô ấy như các cô thôi, các cô đừng băn khoăn.

- Ôi, vậy chúng em cảm ơn anh, anh tử tế quá, chả bù cho thằng khốn kia, sau khi gây chuyện nó đã chạy trốn rồi.

Có tiếng còi xe cấp cứu đưa bệnh nhân tới. Cháu vội lên xe, nhường chỗ và đi ra cổng bệnh viện.

Cuối ngày, cổng bệnh viện tấp nập người ra kẻ vào, chả thấy ai vui vẻ gì, khuôn mặt mọi người đăm chiêu, mệt mỏi, vội vã, tay xách, nách mang, hình như người khỏe, cũng như người bệnh đang cố chạy đua với thời gian, với cuộc đời mà chẳng lấy gì là hạnh phúc.

Cháu tấp xe lề đường, cũng muốn nghỉ chút, vì cũng chạy liên tục từ sáng sớm tới giờ, người thấy oải oải, lại gặp những chuyện chẳng vui gì sau mỗi cuốc xe. Sao bây giờ yêu đương nhốn nháo và hành xử tệ bạc với nhau nhiều thế!

Xuống xe, nhìn lại phía cổng bệnh viện, thấy có một bệnh nhân và người nhà của ông ta đang bị vây bởi một nhóm người chèo kéo đi xe, người phụ nữ cố đưa người đàn ông đang lê từng bước bằng chiếc nạng chữ U. Hai tay ông ấy chống thẳng, trên chiếc nạng, cố giữ thân hình gầy guộc, làm hai vai nhô cao, chiếc cổ rụt ngắn lại, chiếc đầu trọc nhỏ thó, và khuôn mặt nhăn nheo. Ông ấy và người phụ nữ đã thoát khỏi đám đông. Cháu tiến lại và hỏi, được biết hai người ra bến xe buýt. Từ đây ra đó cỡ cũng hơn cây số, trời sắp tối, mấy cơn gió cuốn bụi bay lên và vứt rác lên trời, báo hiệu cơn mưa sắp đến.

- Hai bác lên xe cháu chở ra bến xe buýt, cháu giúp hai bác, không lấy tiền đâu ạ.

- Ôi, thế thì quý hóa quá.

Hai bác ấy đồng ý để cháu chở ra bến xe. Trời đã đổ mưa, gió cũng nổi lên quất những hạt mưa đầu ràn rạt qua cửa kính.

Cháu bắt chuyện:

- Các bác ra xe buýt rồi về đâu ạ?

- Chúng tôi sang bến xe Gia Lâm, rồi bắt xe tiếp về Khoái Châu, Hưng Yên. Đi xe buýt chúng tôi không phải mất tiền vì đều hơn sáu mươi tuổi rồi, họ miễn phí vé. Được cậu cho đi nhờ, hôm nay chúng tôi không phải mất đồng nào, cám ơn cậu quá.

- Dạ, không có gì ạ.

Bến xe buýt vắng teo, mưa rào dây bão nặng hạt, cái mái che của trạm tơ hơ giữa trời, chả có chỗ trú cho người đợi.

- Hai bác về Hưng Yên là cùng quê với cháu rồi. Bây giờ cháu cũng nghỉ chạy. Tiện thể cháu đưa hai bác về luôn.

- Vậy à, cháu ở đâu?

- Dạ ở Tân Châu ạ.

- Vậy cạnh xã bác rồi.

- Thế thì ta về luôn đi ạ.

- Ôi, Chúng tôi may mắn quá!

Trên đường về, bác gái kể cháu nghe:

- Bác trai đây nhiều bệnh, hơn mười ba năm qua phải lọc máu tuần ba lần ở bệnh viện huyện, rồi cách đây hai năm lại mắc phải bệnh ung thư vòm họng, cứ hai mốt ngày lại lên bệnh viện Hà Nội hóa trị một lần. Tính đến nay đã 29 lần ra vào viện này cháu ạ.

- Trời, các bác vất vả quá, vậy bệnh tình bác trai chữa trị ổn không ạ?

- Cũng là cố gắng giành giật sự sống từng ngày thôi, được cái bác trai chịu được thuốc và kiên nhẫn chữa bệnh.

- Vâng...

Cháu chẳng biết động viên hai người sao nữa. Người bệnh vất vả mười lần, thì người chăm cũng không kém. Chỉ việc đi lại tới bệnh viện đã cả một gian truân, còn tiền bạc lo toan mọi thứ...

Con đường trở lại Hưng Yên như dài ra, nặng trĩu, khác hẳn mọi ngày. Ba cây số cầu Thanh Trì đi qua dưới mưa mà hun hút, nhạt nhòa, xe ô tô, xe máy vội vã chạy rào rào như ma đuổi.

Bác trai không nói được, sự im lặng của ông như định mệnh, gắn vào người phụ nữ kế bên. Là đàn ông, ai chả muốn làm cái sào, cái cột cho vợ, con dựa vào, giờ chỉ thấy tiếng thở khò khè và cố rốc lên nghèn nghẹn. Là phụ nữ, ai chả muốn thảnh thơi, an nhàn, nhưng cuộc đời đã dành cho bác gái công việc nghĩa tình chồng vợ, mà chỉ thương yêu lắm mới có sự cố gắng và bình thản, an nhiên như vậy.

Để bớt nặng nề, hai bác cháu nói chuyện về quê, về cuộc sống hàng ngày, về cây cối, gà vịt, về chuối, về nhãn...trên dọc con đê sông Hồng. Trời ngớt mưa, vừng sáng hừng lên nơi phố huyện.

Rồi cũng tới nơi, nhà hai bác trong ngõ nhỏ, không vào được, xuống xe, bác gái cứ nói lời cảm ơn và dúi tiền trả, cháu không nhận nói là tiện đường về nhà thôi, bác mới chịu, còn bác trai chỉ gật gật ra điều cảm động lắm. Soi đèn pha cho hai bác dìu nhau vào ngõ vắng, thấy chạnh lòng và thương người phụ nữ chăm chồng hàng chục năm. Cái bóng của bác gái che khuất bóng bác trai nhỏ bé đang lần lần, lầm lũi phía xa.

Đã chín giờ hơn, ở quê ven đê đã hết người đi lại, trở về Hà Nội, theo phản xạ quen của tài xế tắc xi, cháu bật app chạy xe, xem có khách nào còn đi không, thì có luôn khách. Bản đồ chỉ dẫn khách cách 3km, và điểm trả là cầu Thanh Trì.

Cũng được, đằng nào cũng tiện đường về. Nối máy đến hành khách, giọng người phụ nữ mệt mỏi nói rằng cô ấy đang ở cạnh điếm canh đê. Tới nơi, gọi lần nữa, lần nữa, qua ánh sáng đèn pha, thì có một người phụ nữ xuất hiện từ mé đê phía sông đi lên loạng choạng, chiếc áo mưa trắng mỏng, nhìn người khách mà rờn rợn. Xếp người khách ngồi cạnh ghế lái là kinh nghiệm chở hành khách về đêm, phòng khi họ có hành động xấu, thì phát hiện được. Cháu hỏi lớn:

- Chị đi cầu Thanh Trì, phải không?.

Cô ấy đáp lí nhí:

- Dạ phải.

- Sao giờ này còn đi đâu?

- Nhờ anh đưa đi giùm...

- Cô lạnh không?

- Lạnh

Cháu tăng nhiệt độ xe.

- Nhà cô ở đây à?

...

- Sao giờ này còn đi đâu?

....

- Sao cô không trả lời?

- Anh hỏi lắm thế!

Cô ấy gắt lên.

Hình như cô ấy không muốn trả lời và không muốn nói chuyện.

Đường đê về đêm vắng người, cháu tăng ga để nhanh chóng đến điểm trả khách, thoát khỏi con người khó chịu này. Im lặng và chỉ nghe ràn rạt tiếng lốp xe xiết xuống mặt đường trong đêm, và tiếng ù ù của động cơ dội vào từ tường đê đá bên cạnh.

Trời lại đổ mưa, mỗi lúc một to, cái gạt nước cần cù xoay đi gạt lại mà cũng vẫn mờ kính trước. Gió cũng lớn dần theo mưa, giật nghiêng ngả mấy rặng cây nhỏ ven đường. Đêm mưa mờ mịt và chở theo cả nỗi niềm nhân thế!

Cũng đã đến cầu, hỏi khách đi:

- Cô xuống chỗ nào?

- Cho tôi ra giữa cầu.

- Ủa, cô đón khách hay xe ai ở đấy?

- Anh cứ cho tôi xuống...

Ô, quá lạ!

- Trời mưa gió thế này, cô xuống ướt hết, mà đón ai ở đó?

- Anh cứ cho tôi xuống.

Cô ấy nói như ra lệnh.

Cũng đã đến giữa cầu, chạy chầm chậm vì trời mưa to, khoảng cách nhìn rõ cũng chỉ hơn chục mét.

Cô ấy gào lên:

- Anh cho tôi xuống đây.

Rồi cô ấy khóc nức nở, anh cho tôi xuống đây. Cô ta giật mạnh khóa cửa đã bị chốt, đạp chân rầm rầm vào sàn và cánh cửa, hai tay đập vào cửa kính.

- Anh cho tôi xuống đây, tôi van anh, tôi van anh!

Tiếng khóc cứ nấc lên từng tiếng.

Rõ ràng cô ta có vấn đề, phía sau đèn pha nhấp nháy và tiếng còi xin vượt chát chúa. Không thể dừng xe, mà cũng không thể trả khách chỗ này được. Cháu thuyết phục:

- Không thể dừng ở đây được cô ơi, không ai cho phép trả khách giữa cầu, nguy hiểm cho cô và cả tôi nữa. Hãy sang tới chỗ dừng nghỉ bên kia...

Và cháu cứ lái xe đi mặc cho cô ấy gào thét, khóc lóc, đập phá đòi xuống.

Thế rồi tự nhiên tiếng khóc im bặt, hai chân, hai tay cô ấy thõng ra, đầu nghẹo về một bên. Dừng lại phía đầu cầu, gọi lớn: Cô gì ơi, cô ơi, đập mạnh vào vai mà cũng không trả lời. Cô ấy ngất!

Sẵn dầu gió trên xe, cháu xoa vào bàn tay, bàn chân, và thái dương. Bấm huyệt nhân trung, giật tóc trên đầu, trên ngôi cô ấy. Nhưng vẫn chưa tỉnh lại, chỉ thấy hơi thở đã nhè nhẹ, khuôn mặt tái xanh.

Vào giờ này, mọi hôm đầu cầu đông đúc xe cộ, người qua lại. Hôm nay mưa gió chẳng có một ai. Chỉ còn cách đưa cô ấy đến ngay bệnh viện. Xem vị trí phòng cấp cứu gần nhất, cháu đưa cô ấy vào. Trình bày là khách đi đường, bệnh viện vẫn giữ cháu lại. Họ lục trong túi của cô ấy có chiếc điện thoại đã tắt. Họ khởi động, và áp ngón tay cô ấy vào máy, may quá, điện thoại được mở. Có tiếng chuông, cô y tá đưa cháu bấm nghe. Chưa kịp alo, phía đầu dây bên kia đã vang lên tiếng khóc:

- Con ơi, con ở đâu, về với mẹ và con đi, con đừng tắt máy nhé, cả nhà đang đợi con...

Rồi nữa:

- Em ơi, em ở đâu, về nhà đi, anh có lỗi rồi, ngàn lần xin em đừng bỏ con với anh...

Tiếng khóc đầu giây bên kia, xen lẫn tiếng nói ồn ào xung quanh. Cháu chẳng trả lời được gì. Một lúc sau, hình như lắng lại đôi chút. Họ mới nghe cháu hỏi:

- Xin lỗi, điện thoại từ đâu gọi tới số này vậy ạ?

Thì được trả lời là từ mẹ của chủ nhân số điện thoại đang gọi.

- Vậy bác và gia đình lên ngay phòng cấp cứu để chăm sóc cô ấy.

- Anh là ai mà cầm điện thoại con tôi?

Mô tả và nói chuyện một lát thì mọi người nhận ra sự việc. Họ khẩn khoản nhờ cháu ở đấy chăm sóc, và giữ cô ấy tại chỗ giúp gia đình, mọi người sẽ đến ngay bây giờ.

Cô gái được cấp cứu và tiêm, rồi truyền nước, hình như đã hồi lại, cô nằm bất động trên giường bệnh. Còn cháu sực nhớ tới con gái ở nhà, gọi vào máy nó, thấy tò tí te. Tự dưng lòng như lửa đốt. Cháu nói với nhân viên phòng cấp cứu, phải ra về gấp, nhưng họ không cho. Vì thân nhân người bệnh chưa tới, vì viện phí, vì nhỡ các tài sản cô ấy mang theo, vì tiêu cực, bắt cóc, tống tiền, liên quan tới hình sự...

Ôi! Thật rắc rối và đau đầu!

- Này các cô, các cô lập biên bản bàn giao bệnh nhân đi, để tôi còn có việc gấp đi ngay.

- Không được anh ơi, đây là nguyên tắc, chỉ có công an và gia đình bệnh nhân mới làm được ạ.

- Trời ạ...

Cháu chẳng biết làm sao nữa, đi ra đi vào và chờ đợi, đứng ngồi không yên. Cũng phải ba, bốn chục phút sau mới có thân nhân đầu tiên của hành khách tới. Họ xưng là vợ chồng, đang làm việc gần đây, có quan hệ họ hàng với cô gái. Chị vợ được vào buồng cấp cứu, còn anh chồng ở ngoài. Rồi anh ấy nói gia đình cô ấy đang đến đây. Anh ta kể: Cô này để thư tuyệt mệnh ở nhà và trốn đi từ sáng, vì phát hiện ra anh chồng có bồ nhí. Anh chồng bỏ đi từ ngày qua chưa về. Hôm nay, mãi không liên lạc được với cô ấy, cả nhà đang đi lùng sục dọc sông Hồng, sợ cô ấy nghĩ quẩn mà quyên sinh. Cô ấy đang mang thai tháng thứ ba và đã có một con gái bốn tuổi.

- Ôi, sao dại đột, quẫn bách thế, thật khổ cho phụ nữ!

Rồi gia đình gồm bố mẹ, chồng, anh em cũng tới. Họ khóc vì tủi, vì mừng, họ cảm ơn. Sau khi lập biên bản bàn giao cho họ không vướng mắc gì, cháu cũng được tự do, và hứa chuyển cho họ những đoạn video mà camera hành trình cháu đã ghi lại.

Trở về nhà gấp gáp, đã quá nửa đêm. Những bó hoa rải rác trên phố, trên xe rác, chợt nhớ quà cho con gái nhỏ ngày hôm nay mà chưa có gì. Thấy tiệm hoa sáng đèn, ghé vào có gì mua cho con. Chủ tiệm đã đóng cửa, nhưng những lẵng hoa vẫn còn bày trên kệ, cháu lấy một lẵng và ngước mặt lên nói lớn:

- Tôi lấy lẵng hoa này, mai sẽ ra trả tiền.

Chạy về tới cửa, cháu gọi lớn: Huế ơi, con bé lập tức mở cửa. Nó ôm chầm lấy cháu mà thút thít.

- Con sợ bố không về

- Bố về với con chứ, hoa cho con nè.

- Con nhớ mẹ và em.

Bế nó lên mà con rưng rưng, thương nó quá chú ạ."...

Câu chuyện được cháu dừng lại, cái ly cà phê hờ hững nó đặt trên môi. Còn tôi cũng cảm động, chẳng nói được lời nào. Có cái gì đắng ngắt trong cổ họng.

Cháu đứng dậy, hai mắt nó nậng nước, và nói:

- Cháu sẽ đi tìm mẹ cho con gái cháu, vì cháu mà cô ấy đã bỏ đi tám tháng nay, mang theo cả em nó. Đêm qua không biết cô ấy ở đâu, có ai tặng hoa cho cô ấy không?!

Đêm qua là đêm gì?!

Chuyện Làng Quê

Nguyễn Trùng Khánh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dem-qua-la-dem-gi-a17685.html