Đêm thi trang phục dân tộc của Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023: Ấn tượng và cảm xúc
59 bộ trang phục sặc sỡ, sân khấu hoành tráng là những gì khán giả đã thấy về đêm thi National Costume diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ, Tp.HCM.
Từ lễ hội đặc sắc như chọi trâu, cà kheo đến loại hình văn hóa phi vật thể như cải lương, hát bội, tất cả đều xuất hiện trong đêm National Costume (trang phục dân tộc). Chưa bao giờ sân khấu đêm thi trang phục dân tộc lại ấn tượng đến thế.
Tham dự đêm diễn ở vai trò Trưởng Ban cố vấn cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023, Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, đêm thi hoành tráng, mãn nhãn và mang lại nhiều nét văn hóa đặc trưng từ truyền thống đến hiện đại.
Trong vòng hơn 2 giờ đồng hồ của đêm National Costume, khán giả hòa mình vào đêm diễn đầy sắc màu, từ không khí tươi vui của ngày hội đến những nét cổ kính, trang trọng khi tôn vinh văn hóa đặc sắc nước nhà.
Điều đáng quý trong đêm thi trang phục văn hóa dân tộc là các nhà thiết kế thổi hồn vào những loại hình văn hóa phi vật thể, mang đến gần hơn với khán giả trẻ. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đây là cách giới thiệu văn hóa hiện đại, không cứng nhắc nhưng hiệu quả không kém bách khoa toàn thư.
Không chỉ thể hiện văn hóa truyền thống, đêm thi National Costume còn xuất hiện những bộ trang phục đầy tinh thần yêu nước. Mắc võng Trường Sơn của nhà thiết kế Nguyễn Hải lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc võng đồng hành cùng người lính, băng qua những nẻo đường gian khổ.
Chứng kiến thí sinh biểu diễn trang phục Mắc võng Trường Sơn lấy cảm hứng từ chiếc võng trong kháng chiến, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Tôi ấn tượng với Võng Trường Sơn, ban đầu lo lắng nhưng từ hình ảnh, âm thanh, cách thể hiện bộ trang phục, gánh cả quả núi trên lưng, mở ra những thứ gây xúc động”.
"Chúng ta phải quảng bá văn hóa ra thế giới. Các nhà thiết kế trẻ rất sáng tạo, họ dấn thân, tìm tòi về văn hóa, từ những đạo cụ hay những chi tiết nhỏ trên trang phục, cho thấy các bạn đã dốc công sức đầu tư thời gian, tiền bạc để mang nét đẹp văn hóa dân tộc đến khán giả trẻ. Tôi cho rằng họ đáng được hoan nghênh, cổ vũ", nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Ông cũng cho hay, National Costume mới chỉ tổ chức năm thứ hai, khán giả hãy đón nhận cái mới ở góc độ cởi mở, bao dung vì cái đẹp mỗi người cảm nhận sẽ có sự khác nhau.
Sau đêm thi, sân khấu hoành tráng cũng nhận được nhiều lời khen ngợi. Sân khấu dẫn dắt người xem bước vào nguồn cảm hứng về văn hóa, niềm tự hào dân tộc Việt Nam đầy tính sáng tạo.
Theo chia sẻ của đạo diễn Hoàng Nhật Nam, sân khấu mở ra không gian trình diễn ấn tượng khi dùng hơn 60 hình ảnh lấy cảm hứng từ chính những thiết kế để chiếu trên màn hình LED tương ứng với từng tiết mục. Bên cạnh đó, để tạo ra không khí và đưa khán giả hòa quyện vào mỗi bộ trang phục, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã khéo léo sử dụng nhạc từ các vùng miền Bắc, Trung và Nam để làm nền cho mỗi thiết kế. Điều này không chỉ giúp khán giả dễ dàng nhận biết dấu ấn của từng trang phục mà còn tạo ra sự kết nối sâu sắc giữa khán giả và ý nghĩa của trang phục.
Những ngày trước đêm thi chính thức, Đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã làm việc không ngừng cùng đội ngũ thiết kế cũng như chỉnh sửa trang phục dân tộc với các nhà thiết kế trẻ. Những nỗ lực đó đã đóng góp quan trọng vào một đêm diễn thành công và hoành tráng. Đặc biệt hơn cả, ban tổ chức cuộc thi hy vọng có thể mang lại những trải nghiệm về thời trang trang phục dân tộc một cách văn minh và giá trị đến với khán giả.