Đêm thơ Nguyên Tiêu giữa mênh mông gió núi
Sương giăng mờ trên những nếp nhà, đêm Pác Nặm mang một vẻ đẹp vừa tĩnh lặng, vừa thiêng liêng. Giữa không gian ấy, Ngày thơ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn lần thứ 23 diễn ra với chủ đề 'Tổ quốc bay lên', mang theo hơi thở mùa xuân, ánh sáng của thơ ca lan tỏa giữa miền non cao.
![Tiết mục văn nghệ đặc sắc của các em học sinh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_410_51467674/7e2153ee62a08bfed2b1.jpg)
Tiết mục văn nghệ đặc sắc của các em học sinh.
Hành trình của Ngày thơ Việt Nam bắt đầu từ mùa xuân năm 2003, khi Hội Nhà văn Việt Nam quyết định lấy Rằm tháng Giêng làm ngày tôn vinh thơ ca dân tộc. Trải qua hơn hai mươi năm, thơ vẫn bền bỉ lan tỏa trong đời sống, nâng niu những giá trị văn hóa, tâm hồn Việt. Năm nay, chủ đề "Tổ quốc bay lên" được chọn, lấy cảm hứng từ câu thơ của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân, gợi lên một hình ảnh đẹp đẽ về đất nước đang chuyển mình, khát vọng và niềm tin vươn cao.
Nhà thơ Dương Khâu Luông, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: “Ngày thơ Việt Nam là ngày tôn vinh thi ca - Đêm thơ Nguyên tiêu là đêm mà nhà thơ và người yêu thơ xóa nhòa những khoảng cách cả hữu hình lẫn vô hình. Với Đêm thơ Nguyên tiêu, Ban tổ chức mong muốn góp thêm vào Ngày thơ của cả nước một tiếng thơ từ cất lên từ núi rừng Việt Bắc”.
Nhà thơ Dương Khâu Luông, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ về chủ đề của Ngày thơ năm nay.
Đêm 10/2, Trường Phổ thông Dân tộc THCS Nội trú Pác Nặm rộn rã với tiếng nhạc, học sinh ý ới gọi nhau nhau ăn cơm, vệ sinh cá nhân sớm hơn mọi ngày. 19h, sân khấu đã đã náo nhiệt khi các em nhỏ đã mang ghế ra ngồi đợi háo hức, mong chờ. Dưới ánh đèn vàng ấm áp, những bộ đồng phục hòa cùng sắc chàm của trang phục truyền thống, tạo nên một bức tranh rực rỡ. Không khí rộn ràng nhưng vẫn trầm lắng theo cách rất riêng của một đêm thơ.
Chương trình bắt đầu bằng câu chuyện về nguồn gốc của bài thơ "Nguyên tiêu" – bài thơ Bác Hồ viết trong những năm tháng kháng chiến gian lao nhưng đầy hào khí. Nhớ về những vần thơ ấy giữa núi rừng Bắc Kạn, khán giả càng cảm nhận rõ hơn sự vĩnh cửu của thơ ca – ngôn ngữ vượt qua thời gian, neo đậu trong tâm khảm bao thế hệ.
Với tác giả Kim Phụng, đây không phải lần đầu tiên bà tham gia ngày thơ, cũng không phải lần đầu đứng trên sân khấu trình bày một tác phẩm thơ. Nhưng hôm nay lại cho bà nhiều xúc cảm khác lạ, đó là sự bồi hồi, rung cảm và tự hào khi là người mở đầu đêm thơ với bài thơ Nguyên Tiêu do bác Hồ sáng tác.
Tác giả Kim Phụng chia sẻ cảm xúc khi là người trình bày bài thơ Nguyên Tiêu.
Những vần thơ của các tác giả Bắc Kạn vang lên trong đêm, qua giọng đọc trầm ấm, thiết tha của chính các hội viên Hội VHNT tỉnh: "Hoa chuối đỏ" của Phùng Thị Hương Ly, "Tháng Năm Nà Pậu" của Triệu Kim Văn, "Tình xuân Bắc Kạn" của Ma Phương Tân... từng câu chữ như có hồn, chạm vào tâm thức người nghe, vẽ nên bức tranh thơ vừa thân quen, vừa đầy mê đắm.
![Cô giáo Thái Hà, hội viên chuyên ngành Âm nhạc của Hội VHNT tỉnh thể hiện ca khúc " Người đẹp núi hoa" (Lời Dương Khâu Luông; nhạc, Nông Văn Nhủng).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_410_51467674/90b1a47e95307c6e2521.jpg)
Cô giáo Thái Hà, hội viên chuyên ngành Âm nhạc của Hội VHNT tỉnh thể hiện ca khúc " Người đẹp núi hoa" (Lời Dương Khâu Luông; nhạc, Nông Văn Nhủng).
Không chỉ có thơ, chương trình còn mang đến những tiết mục nghệ thuật đặc sắc: Những điệu múa bát uyển chuyển, tiếng hát then vang vọng giữa núi rừng, đặc biệt là hoạt cảnh thơ "Bản Hon đón Bác Hồ" – một câu chuyện đầy xúc động về tình cảm của đồng bào các dân tộc với Người. Từng ánh mắt, từng cử chỉ, từng câu thơ vang lên trên sân khấu đều chứa đựng những xúc cảm lắng sâu.
Cô giáo Cà Thị Hoan, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT THCS Nội trú Pác Nặm chia sẻ về ý nghĩa đêm thơ đối với nhà trường.
Đêm thơ Nguyên tiêu năm 2025 đã đem đến cho những người yêu thơ những tiết mục biểu diễn đặc sắc, sâu lắng, từng vần thơ, câu hát, điệu múa làm say lòng người xem, như một lời hẹn ước, là dịp những người yêu thơ gặp nhau, ấm áp và tràn đầy thi vị.
![Đã có những phần giao lưu, chia sẻ đầy chân thành giữa nhà thơ, học sinh và giáo viên tại đêm thơ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_410_51467674/74764fb97ef797a9cee6.jpg)
Đã có những phần giao lưu, chia sẻ đầy chân thành giữa nhà thơ, học sinh và giáo viên tại đêm thơ.
Tại đêm thơ, nhà thơ Dương Khâu Luông, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, cùng cô giáo và các em học sinh đã có những chia sẻ tâm đắc về văn học địa phương qua phần tọa đàm, giao lưu với khách mời. Trong câu chuyện ấy, vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cũng tràn đầy hy vọng rằng thơ ca không chỉ dừng lại trên trang giấy, mà còn sống động trong đời sống học đường, gieo mầm cho những tâm hồn trẻ thơ.
![Hoạt cảnh thơ "Bản Hon đón Bác Hồ" một câu chuyện đầy xúc động về tình cảm của đồng bào các dân tộc với Người.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_410_51467674/39de0411355fdc01854e.jpg)
Hoạt cảnh thơ "Bản Hon đón Bác Hồ" một câu chuyện đầy xúc động về tình cảm của đồng bào các dân tộc với Người.
Với người yêu thơ, Đêm thơ Nguyên tiêu là sự kiện quan trọng, một ngày lễ ý nghĩa, không thể thiếu mỗi dịp xuân về. Đến với đêm thơ, mỗi người dân, đặc biệt là các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động như múa, hát, đọc thơ... để từ đó thêm hiểu, thêm yêu thơ ca, cùng góp phần giữ gìn, phát huy thơ Việt Nam trong đời sống hiện đại.
Chia sẻ của các em học sinh về đêm thơ.
Đêm đã muộn, Pác Nặm lạnh se sắt với gió núi, đêm thơ kết thúc trong tiếng vỗ tay đầy tiếc nuối. Hẳn rằng, trong lòng những người tham dự, đã có một ngọn lửa sáng lên – ngọn lửa của tình yêu thơ ca, của niềm tự hào với văn hóa quê hương. Ngày thơ Việt Nam không chỉ là một sân chơi, mà còn là nhịp cầu nối quá khứ - hiện tại - tương lai, để những vần thơ tiếp tục bay cao trên mảnh đất Bắc Kạn hiền hòa…/.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/dem-tho-nguyen-tieu-giua-menh-mong-gio-nui-post69176.html