Dòng người xếp hàng tham dự Tết Nguyên tiêu ở phố cổ Hội An
Ngày 13.2 (nhằm ngày 16 tháng Giêng Ất Tỵ), kỷ niệm hai năm được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thành phố Hội An tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc dịp Tết Nguyên tiêu năm 2025.
Các hoạt động gồm: Đêm thơ Nguyên tiêu, đêm phố cổ, lễ cúng Nguyên tiêu và tiền hiền tại các hội quán, đình, miếu… nhằm gìn giữ, duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của cư dân địa phương và du khách.
Đặc biệt, di tích Chùa Ông (Quan Công miếu) ở số 24 Trần Phú mở cửa để bà con đến dâng hương cầu phước lành may mắn đầu năm vào lúc 3g00 đến 17g00 ngày 16 tháng Giêng Ất Tỵ (nhằm ngày 13.2.2025).
Theo tín ngưỡng của đông đảo người dân, Chùa Ông chỉ cho lộc một ngày duy nhất trong năm đúng vào Tết Nguyên tiêu, diễn ra vào ngày 15 - 16 tháng giêng. Đây là dịp để người dân và du khách được trải nghiệm nét đẹp văn hóa độc đáo của Hội An.
![Người dân xếp hàng vào dâng hương và xin lộc tại di tích miếu Quan Công.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_342_51466470/d8b828ae18e0f1bea8f1.jpg)
Người dân xếp hàng vào dâng hương và xin lộc tại di tích miếu Quan Công.
Ở Hội An, cứ sau ngày Khai hạ (mùng 7 tháng Giêng), người dân lại nô nức chuẩn bị Tết Nguyên tiêu. Đây là lễ tết có từ lâu đời của cư dân Hội An và mang những giá trị văn hóa, những nét đặc trưng riêng so với nhiều nơi ở Việt Nam và châu Á do được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa và có sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các nước Trung Hoa, Nhật Bản qua nhiều giai đoạn tại thương cảng quốc tế Hội An.
Theo bảng kê các ngày lễ, lệ của xã Minh Hương ở Hội An năm 1765, có 16 lễ tục được tổ chức trong năm, trong đó Tết Nguyên tiêu được tổ chức tại các địa điểm chính như cung Cẩm Hà, cung Trừng Hán và cung Hải Bình. Hình thức tổ chức chủ yếu là lễ cúng, ngoài ra có hoa đăng, làm đám rước kiệu ngoài phố…
Theo bảng kê các khoản chi của Lý Tam Bửu Vụ xã Minh Hương cho biết năm 1787 có mua giấy liễn chuẩn bị Tết Nguyên Tiêu ở đình Vạn Thọ, cầu Lai Viễn; chuẩn bị cho lễ Hoa đăng, Nguyên tiêu ở cung Trừng Hán, cung Cẩm Hà, cung Hải Bình.
Vào dịp Tết Nguyên tiêu, các đình làng, chùa chiền và hội quán đều tổ chức cúng tế long trọng, giăng đèn kết hoa rực rỡ, không khí chuẩn bị nhộn nhịp vui tươi chẳng khác gì những ngày giáp Tết Nguyên đán. Tại hội quán Quảng Triệu, Triều Châu không chỉ tổ chức cúng cầu mong an bình thịnh vượng mà đồng thời là ngày tế tự Tiền hiền và làm ngày gặp mặt thường niên của con cháu xa gần trong bang. Lễ vật được bày biện chỉnh tề, trên án thờ gồm có: heo quay, bánh bao, hương hoa, trà quả và những món ăn mang sắc thái của từng bang.
Tại Quan Công miếu (Chùa Ông), Chùa Bà, Chùa Cầu và các hội quán khác như Phước Kiến, Ngũ Bang… cũng nghi ngút khói hương, khách thập phương ra ngoài tấp nập cầu an, xin lộc đầu năm.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_342_51466470/9458614e5100b85ee111.jpg)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_342_51466470/e3cf15d92597ccc99586.jpg)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_342_51466470/70c488d2b89c51c2088d.jpg)
![Đoàn diễu hành chào mừng Tết Nguyên Tiêu đi khắp các ngả đường trong Khu phố cổ thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_342_51466470/f2c10bd73b99d2c78b88.jpg)
Đoàn diễu hành chào mừng Tết Nguyên Tiêu đi khắp các ngả đường trong Khu phố cổ thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách.
Tết Nguyên tiêu cũng là ngày cúng tế lớn của đạo Phật bởi quan niệm cho rằng “lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Hằng năm, đến dịp Tết Nguyên tiêu, ở các chùa đều tổ chức lập đàn cầu Phật tụng kinh, cúng nhương sao giải hạn, trừ tai ách, cầu mong bình yên.
Ở các đình làng, miễu xóm như đình Xuân Lâm - phường Cẩm Phô, đình Sơn Phong - phường Sơn Phong, đình An Mỹ - phường Cẩm Châu, lăng Trà Quân, miếu Cây Giá - xã Cẩm Thanh, lăng Ông An Bàng - phường Cẩm An,… cộng đồng cư dân tổ chức cúng kỳ yên đầu năm với mục đích cúng tế Thần Nông, Thành Hoàng, Đại Càn và nhiều vị thần khác, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Đồng thời, cũng là ngày cúng tế tưởng niệm các bậc Tiền hiền đã có công khai hoang lập làng, những người đã xả thân vì quê hương, đất nước.
Tết Nguyên tiêu còn gọi là tết Thượng nguyên. Theo quan niệm dân gian, Tết Nguyên tiêu (Thượng nguyên) là ngày “Thiên quan Tứ phước”, tức ngày các quan trời ban bố phước lành cho khắp cả nhân gian. Vì vậy từ xa xưa, ngay sau ngày Khai hạ mùng 7 tháng Giêng, người Việt lại chuẩn bị tổ chức cúng tế cầu an, cầu may mắn, phước lành, thịnh vượng trong cả một năm, đồng thời mở hội vui chơi trước khi bước vào công việc của năm mới với ước vọng mọi việc hanh thông, như ý, phát triển.
Dưới triều Nguyễn, các vua rất coi trọng tết Nguyên tiêu (Thượng nguyên) và xếp vào những lễ tiết quan trọng trong năm, được quy định tổ chức cúng tế theo định kỳ và có lễ phẩm cụ thể trong triều đình. Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán biên soạn có chép: Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), sau khi các quan bàn định thể lệ các lễ tiết hàng năm, vua chuẩn định vào những tiết Đông chí, Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên đều làm cỗ bàn dâng cúng các miếu và điện Phụng Tiên, lễ nghi như lễ tiết Đoan dương. Riêng lễ tiết Thượng nguyên và Trung thu thì treo đèn suốt đêm để nêu bật ngày tết nhằm thời tiết đẹp.
Nhằm tôn vinh những giá trị Tết Nguyên tiêu ở Hội An, góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc, ngày 2.2.2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định ghi danh Tết Nguyên tiêu ở Hội An, Quảng Nam vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống và Tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Sự ghi nhận của Nhà nước đối với di sản này là niềm vui, niềm tự hào và vinh dự to lớn của Nhân dân thành phố Hội An, đồng thời qua đó cũng gửi gắm thông điệp về trách nhiệm chung của cộng động trong việc gìn giữ, trao truyền và phát huy hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này.
Tin, ảnh: Khiếu Thị Hoài