Đến 2030 cả nước sẽ có 173 cảng cá, 160 khu neo đậu trú bão

Đến 2030, toàn quốc có 173 cảng cá gồm 39 cảng cá loại I, 80 cảng cá loại II, 54 cảng cá loại III đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,983 tấn.

Ngày 19/7, tại Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tổ chức hội nghị công bố Quyết định 582 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cảng cá La Gi, tỉnh Bình Thuận

Cảng cá La Gi, tỉnh Bình Thuận

Theo đó, đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá, gồm 39 cảng cá loại I, 80 cảng cá loại II, 54 cảng cá loại III, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,983 triệu tấn/năm. Đồng thời, có 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá.

Đối với trong đất liền, có 141 cảng cá đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,75 triệu tấn/năm và 125 khu neo đậu tránh trú bão đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 73.940 tàu cá. Tại các đảo, có 32 cảng cá đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 233 nghìn tấn/năm và 35 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 16.660 tàu cá.

Cũng theo quy hoạch, đến năm 2050, cả nước có 180 cảng cá gồm 39 cảng cá loại 1; 87 cảng cá loại 2, 54 cảng cá loại 3, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 3 triệu tấn/năm và 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá. Tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu đến năm 2030 là 6.124ha, trong nhu cầu sử dụng đất là 1.050ha.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, có 19 dự án được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá thiết yếu tại các cảng cá loại I, nhất là các cảng tại 5 trung tâm nghề cá lớn, các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, cảng cá và khu neo đậu tại các đảo, cảng cá và khu neo đậu đang đầu tư dở dang đồng thời có vai trò phòng chống IUU, các dự án thu hút vốn ngoài ngân sách.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, trong những năm qua, ngành thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng sản lượng thủy sản hàng năm đạt khoảng 8,3 - 8,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,5 - 8,9 tỷ USD.

Hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng thủy sản, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững ngành thủy sản, đặc biệt lĩnh vực khai thác thủy sản.

Những năm qua, hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã từng bước phát triển cả về số lượng và quy mô. Bước đầu, đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế, chống khai thác IUU khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.

Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ làm cơ sở triển khai xây dựng, phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và cũng tạo động lực để thu hút đầu tư, thúc đấy phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/den-2030-ca-nuoc-se-co-173-cang-ca-160-khu-neo-dau-tru-bao-333472.html