Đến Biên Hòa, ghé chợ Tân Phong ăn bánh đúc xem có gì đặc biệt mà bao người vẫn nhớ?
Chợ Tân Phong (hay còn gọi là chợ Phúc Hải, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) không chỉ là điểm mua bán sầm uất mà còn là nơi lưu giữ nhiều món ăn quen thuộc gắn liền với ký ức của người địa phương.
Từ những gánh hàng rong đến các sạp quán nhỏ lâu năm, mỗi góc chợ đều có thể bắt gặp một món ăn đặc trưng mang hương vị riêng. Trong đó, bánh đúc là món ăn chiều không thể thiếu. Và nếu muốn ăn bánh đúc đúng vị, đúng kiểu truyền thống, người ta thường chỉ cho nhau 2 hàng bánh đúc quen thuộc: bánh đúc ba đời cô Hoa và bánh đúc Tàu cô Trang.

Món bánh đúc hấp dẫn trong chợ Tân Phong. Ảnh: Minh Hạnh
Ba đời 'vun tròn' vị bánh đúc
Từ cổng chợ Tân Phong đi vào một đoạn, rẽ theo hướng bên phải, đi thêm vài chục mét là thấy những hàng quán bán đồ ăn trải dọc hai bên đường.
Khi kim đồng hồ chỉ 2 giờ chiều, hàng bánh đúc cô Hoa của chị Vy Hoàng Bích Anh là một trong những hàng đầu tiên dọn ra bán. Vài cái bàn nhỏ, mấy chiếc ghế con, phía trước là khay bánh đúc còn nóng ấm, trắng ngần và núng nính như mời gọi thực khách đến thưởng thức.

Hàng bánh đúc cô Hoa mở bán từ 14h. Ảnh: Minh Hạnh
Khách tới sớm có thể ăn tại chỗ, khách muộn ghé mua mang về, cái quán nhỏ nhưng cứ đều đều như thế từ ngày bà và mẹ chị còn bán. Chị Vy Hoàng Bích Anh năm nay đã 42 tuổi, là đời thứ ba nối nghề gia truyền từ bà và mẹ.
Chị Bích Anh chia sẻ: “Nhà tôi bán ở đây lâu lắm rồi, từ hồi bà ngoại tôi bán đến mẹ tôi, mẹ tôi năm nay 70 tuổi rồi. Tôi thì năm nay 42 tuổi, mới bắt đầu bán thay mẹ được khoảng chục năm”.
Bánh của chị được làm từ gạo nở, ngâm từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau rồi xay mịn, hấp lên theo từng lớp. Phần bột được chị nêm nếm vừa đủ để hài hòa với phần nhân.
Nhân gồm thịt xay, củ sắn băm nhuyễn, xào như thắng hành phi để dậy mùi. Với bánh giò thì thêm nấm mèo để tăng độ ngọt thanh tự nhiên. Tất cả quyện lại tạo nên khẩu phần đầy đặn, đủ hương vị.

Hộp bánh đúc đầy đặn với nhân thịt và hành phi của quán bánh đúc cô Hoa. Ảnh: Minh Hạnh
Chị Bích Anh chia sẻ bí quyết làm bánh của quán mình: “Đặc biệt là bột có nêm nếm gia giảm cho vừa vặn với phần nhân. Cái vỏ không bị mặn mà cũng không lạt, kết hợp với nhân bánh ăn sẽ vừa vị”.
Khác với nhiều quầy chỉ bán mang đi, hàng bánh đúc cô Hoa có ghế ngồi lại. Cứ tầm xế chiều là dễ bắt gặp hình ảnh mấy em học sinh tan học, người lớn ghé đến vừa ăn vừa trò chuyện.
Ông Phạm Quang Thành (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) nhận xét: “Tôi ăn quen hàng này cũng lâu rồi, bánh ở đây ngon, vừa vị, sạch sẽ, mà lại rất đầy đặn”.
Quầy bánh đúc cô Hoa nằm ở phía cuối dãy, hơi khuất so với những hàng bánh đúc khác nên khách mới thường tấp vào những hàng phía trên mà không đi đến hàng của chị. Nhưng ai đã ăn quen thì cứ đi thẳng một đường ghé đến. Bộ bàn ghế nhỏ bên cạnh khay bánh là nơi lui tới quen thuộc của bao học sinh sau buổi tan trường, hay người lao động dừng lại lót dạ lúc xế chiều.
Vị bánh đúc Tàu lâu đời khó nhầm lẫn giữa một góc chợ
Ở phía trước, gần hơn với lối vào chợ, là hàng bánh đúc cô Trang của bà Lành Thị Trang, người đã gắn bó hơn 30 năm với khu chợ này.
Bà Trang bắt đầu phụ mẹ từ hồi mới 16,17 tuổi. Mẹ bà là người Hoa nên truyền lại cho con gái công thức bánh đúc đúng kiểu của người Hoa, từ cách pha bột đến pha nước mắm, cách làm lớp nhân phủ trên mặt bánh.

Hàng bánh đúc cô Trang luôn tấp nập khách từ lúc mở bán. Ảnh: Minh Hạnh
Mỗi ngày, khay bánh được bà Trang chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhà, bánh hấp xong mang ra lúc 3 giờ chiều, bán đến khi hết mới nghỉ. Một phần bánh đúc có giá 20 ngàn đồng, bánh giò là 15 ngàn đồng. Nếu khách muốn ăn cả bánh đúc với bánh giò thì gọi phần 25 ngàn đồng là có đủ hai loại bánh.
Bà Trang chia sẻ: "Mỗi ngày tôi mất khoảng 3-4 tiếng mới làm ra một khay bánh đúc. Tôi bán hết 1 khay bánh đúc với khoảng 40-50 cái bánh giò là nghỉ. Bây giờ bán lâu rồi nên khách ai mà đến, mình nhìn mặt là mình biết là ai luôn".
Phần bột bánh đúc thoang thoảng hương thơm của gạo nở. Đúng như công thức truyền thống từ mẹ, bà Trang vẫn giữ thói quen ngâm gạo từ đêm trước, xay mịn vào sáng hôm sau, rồi hòa với nước theo tỷ lệ chuẩn rồi hấp từng lớp trong nhiều giờ, tạo nên lớp bột bánh mềm dẻo.

Phần bột bánh trắng mịn, núng nính được bà Trang xắt đều tay. Ảnh: Minh Hạnh
Bánh không dai, cũng chẳng bở, nó đủ để dao cắt nhẹ là tách, đủ để cho một miếng vào miệng là tan. Tất cả là nhờ sự canh lửa và lượng nước chuẩn xác, một phần là theo công thức, một phần là nhờ kinh nghiệm qua nhiều năm tháng.
Bánh đúc cô Trang đặc biệt ở chỗ nhân thịt không để riêng, mà được phủ thật dày phía trên mặt bánh. Nước mắm ăn kèm được pha chế mặn ngọt đậm đà. Phần nhân thịt và nước mắm chính là thứ níu chân thực khách quay lại hàng bánh đúc cô Trang nhiều lần.
Chị Vũ Thị Kim Anh (ngụ phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa) là khách quen nhiều năm của quán bánh đúc cô Trang. Chị không thể đếm được đã ăn bánh đúc ở đây bao nhiêu lần: “Mỗi lần đến chợ là tôi lại ghé ăn. Thích ăn bánh đúc cô Trang vì nó ngon và chuẩn vị, nước mắm ở đây cô làm ngon, phần thịt nó khác nhiều chỗ, bột cũng ngon. Tôi đã ăn hết những hàng ở chợ này và ưng nhất là hàng này. Tôi ăn từ hồi còn nhỏ xíu đến giờ”.

Hàng bánh đúc cô Trang là quán quen của chị Vũ Thị Kim Anh. Ảnh: Minh Hạnh
Có những quán ăn như "chiếc vé" trở về tuổi thơ và những hàng bánh đúc lâu đời trong chợ Tân Phong cũng vậy. Bánh đúc là một món ăn vặt không quá đặc biệt. Nhưng thứ làm người ta muốn quay lại nhiều lần là hương vị quen thuộc và câu chuyện của những người phụ nữ đã gắn bó hơn nửa cuộc đời ở góc chợ nhỏ bé này.