Đến đây thì ở lại đây…
Mình thấy Biên Hòa… xập xệ quá. Sao GDP của Đồng Nai vào hàng tốp 5, lại ở sát bên thành phố 'khủng' mà nó phát triển chậm rề, nhà cửa, phố xá, kiến trúc... cứ như… phố huyện. Ấy là nhận xét có phần… thẳng như nòng súng của bạn tôi trong lần đầu vào Biên Hòa.
Cũng bà bạn hay xét nét ấy lần này vào, chưa đi hết một vòng quanh Biên Hòa đã mắt tròn mắt dẹt. Rằng thành phố thay đổi nhiều quá, nhanh quá. Rằng sao mà lắm siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu to đùng đoàng, chắc Biên Hòa giàu vào bậc nhất các đô thị tỉnh lẻ phía Nam (!). Tôi nghe, hơi buồn cười. Lâu nay chỉ nghe lời ong tiếng ve chê Biên Hòa. Giờ đột nhiên “quay xe”, khen hết nấc. Nhưng xem ra, lời khen cũng… có cơ sở. Thành phố bên sông Đồng Nai đã bừng tỉnh sau giấc ngủ dài mê mệt cả trăm năm. Hồi năm ngoái, các con đường được “thay áo mới”, không còn những vỉa hè xám xịt sứt sẹo và buổi chiều thường ngập trong rác. Những ngã ba, ngã tư trở nên sáng trưng. Giờ tầm khu vực nhà trẻ Hướng Dương, ngã tư Vườn Mít, ngã tư Tân Phong… xe ô tô nối đuôi nhau đứng ngàn ngạt hai bên đường. Rõ là số lượng xe hơi ở Biên Hòa đã tăng đột biến. Và cùng với xe hơi là… tắc đường. Ngày trước, chỉ dịp Tết hay lễ lạt mới có cảnh này. Ồ. Phải rồi. Năm 2023, Biên Hòa - Đồng Nai tròn 325 tuổi. So với thủ đô ngàn năm văn hiến, Biên Hòa đang tuổi thanh xuân. Tuổi thanh xuân thì phải rực rỡ cuốn hút. Cái xứ “dưới sông sấu lội trên giồng cọp um” hồi thế kỷ XVII, nay người, xe như mắc cửi, với đủ loại âm thanh của một đô thị công nghiệp đang phát triển, từ sáng tới khuya nhộn nhịp đông vui. Chỉ cần bước qua bên kia cù lao Phố, sẽ thấy những cây cầu đẹp đẽ bắc qua sông Đông Nai, mở ra những vùng đất trù phú vừa quen, vừa lạ...
Gốc gác nhà tôi là người đàng ngoài. Vì lý do nào đó cụ nội tôi dời vào khu 4 cũ. Rồi từ khu 4 cũ cha mẹ tôi lại đưa bầy con đông đúc ra Hà Nội. Chúng tôi lớn lên, mỗi người một phương, chẳng nơi nào thật sự là quê hương nhau rốn. Tôi cũng chưa từng bị chi phối bởi tư tưởng “Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng”. Đơn giản vì tôi… không thuộc phái tu mi. Nhưng số phận đã đẩy đưa tôi trở thành công dân xứ bưởi Biên Hòa. Thoắt cái, đã gần 40 năm. Bạn tôi có người vào đây trước cả tôi, tóc pha sương lại trở về quê, mua đất dựng nhà, xây từ đường. Nhưng tôi không theo trường phái “lá rụng về cội…”. Đơn giản vì tôi quá yêu thành phố này.
Dĩ nhiên, tình cảm của tôi với Biên Hòa không đến theo kiểu “tiếng sét ái tình”. Nó ngấm từ từ. Mới đầu, cái ý nghĩ được sống trên quê hương của nhà văn thần tượng Hoàng Văn Bổn khiến tôi vui sướng. Cảnh quê trong các tiểu thuyết: Miền đất ven sông, Trên mảnh đất này… đầy ắp hương vị miền Đông của ông từng mê hoặc tôi. Nhưng sau vài lần thám hiểm ngoại ô Biên Hòa, tôi nhận ra những xóm làng đơn sơ và những người nông dân hào sảng thời chú Chín Bổn (tên thân mật của nhà văn Hoàng Văn Bổn) đã “về nơi xa vắng”. Biên Hòa bây giờ là của dân tứ xứ, giọng nói lao xao hòa trộn đủ âm sắc các vùng miền. Những cánh đồng lúa mỗi ngày mỗi thu hẹp, con, cháu “hai lúa” giờ hầu hết không làm ruộng mà thành công chức, viên chức, công nhân các khu công nghiệp. Đô thị hóa làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt làng quê. Ruộng vườn đã nhường chỗ cho nhà máy, xí nghiệp, cầu cống, những chung cư cao tầng, siêu thị, sân thể thao… Thế nên tôi cảm thấy vô cùng thích thú khi phát hiện ra đây đó còn “sót” những mảnh vườn màu mỡ, tháng giêng hai phủ đầy rơm rạ. Dưới lớp rơm rạ nồng ẩm vươn lên ngọn cây cà chua, đậu, mè, rau cải, hành, tỏi… xanh ngăn ngắt, chưa ăn đã cảm thấy vị ngọt vào đến gan ruột. Sao mà giống mảnh vườn be bé của mẹ tôi xưa. Ngày tôi còn nhỏ, mẹ cũng dùng rơm rạ phủ lên luống rau, luống hành, mùi, trên cùng là tàu lá chuối tươi, để che sương muối, cái thứ sương độc địa, làm lá rau xoăn lại, héo rũ. Hồi ức thấp thoáng bóng dáng tảo tần của mẹ khiến tôi nao lòng. Tôi dừng xe lại ven đường, chờ cho khoảnh khắc xao động qua đi, bồi hồi hít căng lồng ngực cho mùi đất đai, rơm rạ, rau cỏ thấm sâu vào buồng phổi. Biên Hòa thật đáng yêu khi vẫn gìn giữ được những nét chân quê bên cạnh vẻ hiện đại của phố thị thời hội nhập.
Tôi yêu Biên Hòa như một lẽ tự nhiên. Người ta thường yêu những gì gắn bó máu thịt với mình. Ngày xưa không biết bao nhiêu lần ngồi trên tàu Thống Nhất Bắc Nam, khi con tàu lầm lũi chạy qua những cánh đồng trải dài tới sát chân núi xa mờ, tôi hay để ý những ngôi nhà tranh bé tí, lẻ loi dựng dưới chân núi, nhìn cô đơn, heo hút đến não lòng. Nhất là khi tàu chạy trong đêm tối mịt mù, ở những ngôi nhà ấy chỉ le lói ánh đèn như ánh sáng lập lòe của con đom đóm. Tôi luôn tự hỏi, ai sống trong những căn nhà bé tí, thấp tè đó hẳn là họ khổ sở, buồn chán lắm. Nhưng dần dà, tôi nhận ra, ở bất cứ nơi nào cuộc sống cũng có những vẻ đẹp riêng, sức hấp dẫn riêng. Tình yêu nảy mầm, bén rễ nơi nào thì nơi ấy với ta sẽ là thiên đường. Nên không lạ khi những chàng trai, cô gái H’Mông bỏ thủ đô về ngôi nhà sàn trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ, để sống cùng sỏi đá, ăn bánh bột ngô.
Tôi yêu Biên Hòa, thành phố nửa quê nửa tỉnh. Yêu con đường chạy qua nhà rực rỡ những chùm bông giấy, yêu những buổi sáng cùng bạn bè “ngồi đồng” bên ly cà phê, yêu món cơm sườn thơm phức trong quán ăn vỉa hè, yêu những xe mì gõ đêm đêm lăn bánh lộc cộc trên đường khuya. Tôi yêu dòng sông Đồng Nai với vẻ đẹp biến hóa, vừa hiền lành vừa dữ dội, trên đó luôn có những chiếc sà lan chở nặng đến nỗi có cảm giác chỉ khẽ chạm vào là chìm. Cô bạn văn của tôi quê lúa Thái Bình, sống trong hẻm phố chật chội có cây khế ngay đầu ngõ, mỗi lần ngồi trên xe máy “Honda” của cô chạy dọc con đường “hẹp chẳng tày gang”, len lỏi qua những ngôi nhà nhô ra thụt vào khấp khểnh, tim tôi dội thình thịch. Nhưng “tay lái lụa” của cô vẫn ung dung. Những người đàn bà ban ngày làm đủ các việc linh tinh, tối đến bắc ghế ngồi bên vỉa hè, tám chuyện, mỉm cười chào khi chúng tôi đi qua. Cái hẻm sâu hun hút đã nhiều lần len vào truyện thiếu nhi của bạn tôi. Lũ con nít chạy huỳnh huỵch, nối đuôi nhau rồng rắn đã trở thành nhân vật trong truyện của bạn và chúng chờ đợi sách ra như chờ ngày nghỉ hè. Tôi hiểu, cũng như tôi, bạn yêu con hẻm có cây khế, yêu hình ảnh những người đàn bà ngồi hóng gió “buôn dưa lê” trên vỉa hè, yêu lũ trẻ con hay la chí chóe rượt đuổi nhau. Những điều nhỏ bé vụn vặt ấy đã bén rễ, ăn sâu trong tâm hồn chúng tôi, để mỗi lúc đi xa cứ da diết nhớ và cồn cào mong được trở về.
Có dạo, tôi hay đi bộ buổi tối. Thật là thích khi nhẩn nha đi qua những con phố rải đầy lá vàng mùa thu. Cũng thật là thích một buổi mai thức dậy, chợt thấy trời đất hanh hao, se lạnh, có hôm mưa phùn mỏng bay như rắc phấn. Tôi có cảm giác như mình đang trong mùa xuân xứ Bắc, hóa ra, khắp đất nước hình chữ S này chỗ nào cũng giống nhau, chỗ nào cũng mang lại cảm giác thân thương, máu thịt. Có lẽ vì vậy mà dù cách xa ngôi nhà xưa của cha mẹ gần 2 ngàn cây số, tôi vẫn cảm thấy như chỉ cần bước ra ngõ là trở về với tuổi thơ, với cội nguồn.
Tôi yêu Biên Hòa còn vì cuộc sống ở đây luôn là sự hòa quyện của quá khứ với hiện tại và tương lai. Một ngày cuối tháng Chạp năm Nhâm Dần, tôi cùng hai nghệ sĩ đi “thị sát” công viên Dương Tử Giang, để tính chuyện xây dựng không gian văn hóa. Lội bộ dưới cái nắng oi oi đầu mùa khô, mắt tôi bỗng chạm phải mái nhà lao Tân Hiệp. Nó nhô lên bên kia bức tường ngăn. Đây là nơi đã giam cầm hơn 500 chiến sĩ cách mạng, trong đó có nhà báo Dương Tử Giang, nhà văn Lý Văn Sâm. Theo sử sách thì hồi ấy bao bọc khu nhà lao còn là rừng. Khát vọng tự do đã khiến hàng trăm tù nhân chính trị làm cuộc nổi dậy, phá nhà lao Tân Hiệp. Nhà báo Dương Tử Giang không may đã hy sinh trong cuộc vượt ngục kinh thiên động địa ấy. Bây giờ, rừng đã lùi tít tắp về tận Chiến khu Đ. Dấu vết nhà lao vì nhiều lý do đã mất gần hết. Phần di tích còn lại đứng trầm mặc bên con đường đầy tạp âm và khói bụi. Nhưng ngôi nhà với những bức tường xanh nhạt kia vẫn còn đó, là lời nhắc nhở hậu thế đừng mải vui mà quên quá khứ. Chúng ta không được quên những người đã đánh đổi tuổi thanh xuân cho hòa bình, độc lập dân tộc. Tôi cảm thấy vui sướng khi nhìn nơi giam cầm những trái tim đầy nhiệt huyết nay đã trở thành điểm đến an lành cho người dân.
Biên Hòa sẽ còn đẹp lên, hiện đại lên bởi công viên Biên Hùng đang được phá dỡ, để xây mới. Chưa rõ hình hài công viên, nhưng đã thấy không gian thoáng đãng hơn, nhất là cái hồ xinh đẹp bỗng hiện ra lung linh như tấm gương soi giữa lòng thành phố. Ai đó nói, cái hồ là nơi chứa chất độc dioxin thời chiến tranh. Nhưng nước hồ không dùng để ăn thì vẫn có thể dùng để bơi thuyền, mai sau khi dioxin được tẩy sạch thậm chí có thể thả cá. Trong lòng TP.Biên Hòa còn có di tích Thành Kèn, chứng nhân của một giai đoạn lịch sử hào hùng. Thành Kèn đã được trùng tu, ống khói trên mái ngói vươn cao, đang kể với hậu thế câu chuyện về người Đồng Nai kháng Pháp. Đi thêm một đoạn, bên kia sông là cù lao Phố, bức tượng Nguyễn Hữu Cảnh tay cầm đốc kiếm, uy nghi đứng đón gió sông. Cách pho tượng vài bước chân, những người có thú đi câu đang lặng lẽ buông cần, tạo nên bức tranh không thể ngoạn mục hơn về sự yên bình. Cuộc sống ở Biên Hòa luôn là thế, vừa gấp gáp, tất bật, lại vừa thong dong, nhàn nhã. Sự đối ngược làm nên nét riêng, khiến tôi thêm yêu thành phố, như yêu một người có cá tính không thể trộn lẫn.
Rời Hà Nội vì những lý do không đâu, tôi từng nghĩ mình thật dại dột. Bỏ chốn phồn hoa lạc thú để vào nơi xa tít mù tắp, kiểu gì cũng là tỉnh lẻ. Rồi tôi nhận ra, định mệnh đã đẩy tôi lên chiếc thuyền bé nhỏ trong chuyến phiêu lưu chứa đựng tất cả hỉ nộ ái ố, trên hành trình đó đôi khi tôi bị nhồi lắc, chao đảo, thậm chí suýt chìm, nhưng cuối cùng tôi vẫn đến được bến bờ nơi tôi muốn, nơi tôi có tình yêu và sự bình yên. Biên Hòa đã níu kéo tôi bằng tổng hòa của tất cả những điều bình dị, những âm thanh, màu sắc, hương vị… để mỗi lúc đi xa, bên tai tôi luôn văng vẳng câu ca dao xưa “Đến đây thì ở lại đây”… Tôi biết mình sẽ ở lại đây, không phải chỉ đến lúc bén rễ, xanh cây…