Đến đền Hùng dịp giỗ tổ 2023
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 20 - 29/4 (tức ngày 1/3 đến hết ngày 10/3 năm Quý Mão) tại tỉnh Phú Thọ, với đầy đủ phần lễ và phần hội.
Khu quần thể kiến trúc đền Hùng được xây dựng men theo thế núi nằm trên vùng đất địa linh của núi Phượng Hoàng, nơi hội tụ linh khí của đất trời. Đây là địa điểm du lịch tâm linh được nhiều du khách tìm về, đặc biệt là mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 để để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng thời dựng nước, ghi nhớ các vị anh hùng đã ngã xuống vì quê hương xứ sở.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3
Các hoạt động chính dịp giỗ Tổ 2023
Lễ giỗ Tổ và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 được tổ chức từ ngày 20 đến 29/4, sát dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, với nhiều hoạt động vui chơi chào đón du khách.
Phần lễ (tại khu Di tích Lịch sử đền Hùng)
Ngày 20 đến 29/4: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
Ngày 25/4: Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ.
Ngày 29/4 (từ 8h): Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương.
Phần hội
20h ngày 21/4: Khai mạc Lễ hội đền Hùng và Tuần văn hóa Du lịch đất Tổ 2023 tại quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì.
19h30-22h ngày 22-24/4: Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi tại quảng trường Hùng Vương.
Ngày 23/4: Giải bơi chải và trình diễn ván chèo đứng trên hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì.
Ngày 24 đến 30/4: hát Xoan, dân ca Phú Thọ tại sân Trung tâm lễ hội, khu Di tích lịch sử đền Hùng và tổ chức Hội trại Văn hóa tại khu núi Phú Bùng.
Ngày 25 đến 29/4: Liên hoan Văn hóa Ẩm thực Đất Tổ tại Khu dịch vụ ngã 5 đền Giếng - khu Di tích lịch sử đền Hùng.
Ngày 20 đến 29/4: Trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật và tín ngưỡng thời đại Hùng Vương tại bảo tàng, thuộc khu Di tích lịch sử đền Hùng.
Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ còn tổ chức các hoạt động khác nằm trong khuôn khổ Giỗ Tổ gồm: trình diễn hát Xoan phục vụ khách du lịch tại miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Hùng Lô (20-29/4), chương trình âm nhạc đường phố, trình diễn trang phục áo dài và xác lập kỷ lục "Non sông gấm vóc" (22/4) tại công viên Văn Lang, hội thi gói và nấu bánh chưng, bánh giày (ngày 27/4) tại khu Di tích lịch sử đền Hùng.
Những điểm tham quan khi đến đền Hùng
Khu Di tích Lịch sử đền Hùng (đền Hùng), thành phố Việt Trì, nằm trên diện tích 1.030 ha. Để trải nghiệm trọn vẹn nơi này, du khách có thể thưởng ngoạn trọn vẹn khu di tích lịch sử đền Hùng trong nửa ngày.
Cổng đền
Trước khi lên đền, du khách phải đi qua cổng đền, đây chính là điểm bắt đầu của chuyến hành hương về thăm vùng đất Tổ, nơi đất gốc phát tích của dân tộc Việt Nam.
Cổng được trang trí theo lối kiến trúc mái vòm. Cổng gồm 2 tầng, cao 8,5m rộng 4,5m. Chính giữa cổng đền trên cao là bức đại tự gồm 4 chữ Hán: Cao sơn cảnh hành (Núi cao đường lớn).
Đền Hạ
Đền được xây dựng từ thế kỷ 17 đến 18, trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu. Đền Hạ tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai.
Ngay chân Đền Hạ là Nhà bia với kiến trúc hình lục giác, có 6 mái. Trong nhà bia hiện nay đặt bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm ngày 19/9/1945: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Giếng cổ
Ngay phía sau đền Hạ là giếng Cổ (giếng Rồng). Tương truyền đây là nơi mẹ Âu cơ đã lấy nước tắm cho các con.
Chùa Thiên Quang
Tên chùa có nghĩa là ánh sáng từ trên trời chiếu rọi. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18-19, thời nhà Trần. Chùa Thiên Quang thờ Phật theo phái Đại thừa. Hiện trong chùa còn giữ 32 pho tượng Phật bằng gỗ được sơn son thiếp vàng.
Đền Trung
Sau khi bước qua 159 bậc đá, du khách đến đền Trung nằm lưng chừng núi. Đền Trung có tên chữ là "Hùng Vương tổ miếu" hay miếu thờ tổ vua Hùng. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng thường cùng với các lạc hầu, lạc tướng bàn việc nước.
Đền Thượng
Từ đền Trung, đi khoảng 100 bậc sẽ đến đền Thượng, nằm ở vị trí cao nhất trên núi. Đền có tên chữ là Kính thiên lĩnh điện, nghĩa là điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền, đây là nơi vua Hùng thường lập đàn tế trời cầu quốc thái dân an. Đây cũng là địa điểm chính diễn ra các nghi thức quan trọng nhất trong ngày giỗ Tổ.
Cột đá thề
Nằm bên trái đền Thượng là cột đá thề. Qua năm tháng, cột đá bị vùi lấp và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép phục dụng, để con cháu hiểu được lời thề của tổ tiên. Tương truyền vào đời Hùng Vương thứ 18, vua Hùng không có con nối dõi đã nghe theo lời khuyên của con rể Tản Viên, truyền ngôi cho người cháu họ là Thục Phán. Thục Phán đã cho dựng cột đá, chỉ tay lên trời thề rằng: Nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi. Thục Phán sau khi lên ngôi lấy hiệu là An Dương Vương, đặt tên nước là Âu Lạc, dời đô vào Cổ Loa.
Lăng Hùng Vương
Tương truyền đây là mộ của vua Hùng thứ 6, với lời căn dặn rằng: "Khi ta mất hãy chôn ta trên đỉnh núi Cả để ta có thể trông coi bờ cõi cho con cháu". Mộ được xây dựng ở thế đầu đội sơn chân đạp thủy. Lăng Hùng vương tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu": dựa vào sườn núi Hùng và trông ra ngã ba Bạch Hạc.
Đền Giếng
Đi xuống khoảng 600 bậc theo hướng Đông Nam là đền Giếng thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Câu chuyện tình giữa công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử phản ánh khát vọng về tự do yêu đương, tự do hôn nhân. Còn Ngọc Hoa - Sơn Tinh phản ánh về công cuộc trị thủy cũng như để lại một phong tục văn hóa của người Việt: thách cưới./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/den-den-hung-dip-gio-to-2023-post1016157.vov