'Đến giờ có người vẫn coi trầm cảm là lười nhác, vô kỷ luật'
Trước tình trạng thiếu hụt hotline tham vấn miễn phí cho người gặp khủng hoảng tâm lý ở Việt Nam, dự án Đường dây nóng Ngày mai ra đời với mong muốn lấp đầy khoảng trống đó.
Gần 20 năm trước, khi trực tổng đài 1088 (dịch vụ kết nối người sử dụng tới các chuyên gia tư vấn trong nhiều lĩnh vực như pháp luật, y tế, sức khỏe, tin học, giáo dục, tâm lý tình cảm, viễn thông...), chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, hiện là nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý tại Đại học Quốc gia Trung Chính (Đài Loan, Trung Quốc), nhận được cuộc gọi lúc 0h của một thiếu niên đang tuyệt vọng vì cô đơn.
Cậu thốt lên: “Em không muốn sống nữa, không ai cần em cả”. Bà Hà Thành trò chuyện khá lâu để lắng nghe những giày vò nội tâm của cậu về cảm giác trơ vơ trong nhung lụa, nhưng mất kết nối với người thân.
Nhiều năm qua, chuyên gia tâm lý Hà Thành từng tiếp xúc rất nhiều bạn trẻ bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc, thậm chí có ý định tự sát, nhưng không tự giải quyết được, không thể nói ra với ai.
Từng học tập tại Đức, Đài Loan (Trung Quốc) và làm việc cho dự án Lãnh đạo nữ của ĐH Flinders, Australia, bà Hà Thành nhận thấy hầu như quốc gia phát triển nào cũng có hotline hỗ trợ cho người trẻ có vấn đề về trầm cảm. Tuy nhiên, đây là điều còn thiếu ở Việt Nam.
Đầu năm 2020, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành trao đổi với TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), về ý tưởng thành lập một đường dây nóng cho nhóm người còn thiếu hệ thống hỗ trợ.
Sau hơn 1 năm, dự án Đường dây nóng Ngày mai vừa được ra mắt.
“Đã đến lúc Việt Nam cũng cần có hotline hỗ trợ cho người trẻ có vấn đề về trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Đôi khi, ở những giây phút lóe lên trong đầu ý tưởng tự sát, cảm thấy cuộc đời đầy u tối, họ chỉ cần có người lắng nghe đúng lúc, đúng cách để vượt qua”, bà Hà Thành nói với Zing.
Theo TS Đặng Hoàng Giang, Đường dây nóng Ngày mai là sáng kiến cộng đồng, phi lợi nhuận, không phải dịch vụ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, không thể làm thay công việc của các nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần.
“Chúng tôi chỉ lắng nghe các cuộc điện thoại từ những cá nhân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, từ đó giúp họ kết nối với các chuyên gia phù hợp”, ông Giang nói.
Ở đợt 1, từ 120 hồ sơ ứng tuyển, dự án sẽ chọn ra 30 tình nguyện viên thông qua bài test. Nhóm này được tham gia khóa tập huấn với các chuyên gia, sau đó trực điện thoại để giúp đỡ người gọi đến với cách phản ứng hợp lý, thấu cảm và không phán xét.
Với 20 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn tâm lý, cùng 10 năm kinh nghiệm vận hành hotline, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đóng vai trò tạo ra chương trình đào tạo cho tình nguyện viên theo mô hình của nước ngoài, có điều chỉnh điều kiện phù hợp với Việt Nam.
Hàng tuần và tháng, dự án sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhóm tình nguyện viên trực điện thoại để chất lượng của họ ngày càng được ổn định và đi lên. Sau 3-4 tháng, nếu đường dây nóng hoạt động tốt, đợt tuyển tình nguyện viên mới sẽ tiếp tục diễn ra.
Theo hai người khởi xướng, khó khăn khi vận hành dự án Đường dây nóng Ngày mai là lĩnh vực rối loạn cảm xúc, sức khỏe tâm thần ở Việt Nam còn nằm trong bóng tối, bị xem là vấn đề kiêng kỵ, ít được nói đến công khai.
“Trong xã hội, 5-10% đã và đang bị trầm cảm nhưng rất nhiều người trong số đó không dám nói ra tình trạng của mình. Trong khi đó, vẫn còn nhiều người coi bệnh trầm cảm là lười biếng, ích kỷ, vô kỷ luật. Do đó, một trong những mục đích của dự án còn là phá bỏ những định kiến, kỳ thị của xã hội”, TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ.