Đến khi nào sẽ bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thực chất khi Nhà nước có quản lý giá, còn định giá xăng dầu, thì Nhà nước vẫn cần thiết giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chỉ khi có sự cạnh tranh thực sự, đầy đủ, Nhà nước không quy định giá nữa thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ tự bỏ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022. Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ.
Tăng cường quản lý thị trường, chủ động phương án điều tiết nguồn cung, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa; tập trung kiểm tra giám sát, quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu.
Trước đó vào chiều tối ngày 10/3, hình ảnh người dân đổ xô đi mua xăng đã khiến nhiều cây xăng quá tải, khách hàng và phương tiện phải xếp hàng dài.
Bài liên quan
Rau, thịt chạy theo đà tăng giá xăng, người tiêu dùng lo lắng chi tiêu
Lái xe quá tải biện minh vì chở thêm hàng để bù tiền xăng
Xăng dầu tăng giá, ngư dân gặp khó
Tăng cường kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới
Nói về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trao đổi với PV Nhà báo và Công luận, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, câu chuyện về Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được bàn nhiều, có quan điểm cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đi.
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thực chất khi Nhà nước có quản lý giá, còn định giá xăng dầu, thì nhà nước vẫn cần thiết giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chỉ khi để cho thị trường tự quyết định, có nghĩa là có sự cạnh tranh thực sự, đầy đủ, Nhà nước không quy định giá nữa thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ tự bỏ.
Cũng theo vị chuyên gia, mục đích của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là bình ổn giá để kiếm soát lạm phát, còn đối với doanh nghiệp không có tác dụng.
"Tất cả hạn chế của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được khắc phục hết, đã thành Nghị định 95, theo tôi là không còn hạn chế gì nữa. Cứ thực hiện tốt Nghị định 95 thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ tốt", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, còn những điểm hạn chế cần được cải tiến đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Đó là, nên trích khi giá xăng dầu hạ, doanh nghiệp có lãi và ngay cả doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kinh doanh có lãi cũng phải trích ra lập quỹ chứ không chỉ người tiêu dùng. Ngược lại, không trích khi giá tăng cao vì sẽ tạo áp lực lạm phát.
Còn về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chỉ chi khi giá biến động bất thường và phải định lượng rõ sự bất thường, xóa bỏ cách điều hành theo kiểu xem giá xăng dầu luôn bị biến động bất thường.
"Song, về lâu dài, khi không còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu xăng dầu thế giới, tức là không phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới, sẽ có thể không cần quỹ này", ông Thỏa bày tỏ.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phục vụ phiên chất vấn hôm nay (16/3), Bộ Công Thương cho biết, từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 (11/1/2022) đến kỳ điều hành ngày 11/3/2022, đã có 6 kỳ điều hành giá (6 kỳ đều tăng giá).
Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với kỳ điều hành ngày 11/1/2022 tăng từ 4.625 - 7.030 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 24,91% - 39,56%.
Theo Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.
Trong đó, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Bộ Công Thương khẳng định: Việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng trong nước để bảo đảm hài hòa giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/den-khi-nao-se-bo-quy-binh-on-gia-xang-dau-post185656.html