Đến Long Xuyên, du khách phải ăn bằng được cơm tấm miền Tây
Vẫn là cơm tấm nhưng ở nơi này lại có một diện mạo có phần khác lạ, ăn thử lại ngon miễn bàn.
Chễm chệ trên danh sách các món ăn Việt Nam nổi tiếng và được lòng khách quốc tế ngoài phở và bánh mì chính là cơm tấm Việt.
Nếu như miền Bắc có phở Hà Nội thì trong Nam nhất là tại Sài Gòn có cơm tấm được chọn làm món ăn "danh bất hư truyền".
Ngày xưa cơm tấm là một món ăn bình dân cho học sinh, sinh viên và những người lao động trong những bữa ăn chính. Lâu dần, vì độ ngon không cưỡng mà trở thành một món ăn chung, đi ra đường không biết ăn gì, dẫu bữa sáng trưa hay chiều tối, đều sẽ vào hàng gọi đĩa cơm tấm sườn bì chả.
Cơm là nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên cái riêng của món ăn này. Cơm tấm được nấu từ hạt gạo tấm, tức là hạt gạo bị bể rơi rớt khi sàng. Ngày xưa gạo này là loại thứ phẩm, thường được bán rẻ cho những người chỉ cần ăn cơm no. Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa cơm tấm, nước mắm ngọt và các loại thức ăn đặc trưng đi kèm trên đĩa, mà tự khắc gạo tấm cũng có giá hơn, chia ra làm nhiều loại.
Cơm tấm có nhiều sự lựa chọn, nhưng cơ bản nhất vẫn là cơm tấm sườn bì chả. Sườn là sườn heo được tẩm ướp gia vị thật ngấm, sau đó đem nướng. Chả của cơm tấm được làm từ trứng, cua, thịt băm, nấm mèo và bún tàu. Chả được hấp hoặc chưng chín trong một cái khuôn hay bát hình tròn, khi ăn sẽ cắt lát dày đặt lên phần cơm. Bì thường là thịt heo, da heo cắt sợi trộn với thính và gia vị. Có 3 loại thức ăn này, nhìn vào có thể định hình được đây là đĩa cơm tấm. Ngoài ra ăn cơm tấm phải có mỡ hành được rưới lên mặt cơm, kèm chén nước mắm ngọt và một ít đồ chua thì mới ngon.
Ảnh: ninheating
ĐĨA CƠM TẤM THÀNH "ĐẶC SẢN" CỦA NGƯỜI LONG XUYÊN, CÓ NƠI MỘT NGÀY BÁN ĐẾN 35 NỒI CƠM
Cơm tấm Long Xuyên có thể xem là một "biến thể" khác của món cơm tấm vốn đã rất nổi danh ở TP.HCM, tuy nhiên nó không "nhạt màu" hơn mà trái lại còn đậm đà cái riêng của ẩm thực vùng miền Tây sông nước. Ngày nay, cơm tấm Long Xuyên đã nổi danh gần xa, có người tìm đến tỉnh An Giang du lịch cũng chỉ vì độc nhất món cơm tấm.
Nếu có dịp, bạn nhất định phải đến Long Xuyên, ăn đĩa cơm tấm chính gốc của nó, sẽ thấy khác hẳn cơm tấm Long Xuyên được mở bán ở TP.HCM. Một trong những quán cơm đông khách nổi tiếng nhất ở nơi này này chính là quán cơm Hướng Dương, nằm trên đường Phan Đình Phùng, mở cửa từ 6 giờ sáng và đóng cửa ngơi tay tận 11 giờ đêm.
Ở Long Xuyên, đĩa cơm tấm chính là bữa ăn no bụng quen thuộc của nhiều lứa tuổi từ trẻ đến già, từ thằng nhóc cô bé tiểu học hay nhưng anh chị lớn đang độ đi làm. Người dân địa phương ở đây ăn cơm tấm như một sở thích khó bỏ, đôi khi chẳng cần biết có đúng bữa hay không. Cứ thèm là ăn, tiện đường là tấp vào hay đôi khi bất chợt nhà chẳng còn cơm thì khả năng chọn ngay món cơm tấm mà chẳng cần phải nghĩ chi xa xôi cho mệt. Đó cũng chính là lý do các tiệm cơm như Hướng Dương mở cửa xuyên suốt cả ngày.
Ở quán Hướng Dương, tay nghề được truyền từ đời mẹ bán đến nay đã gần 50 năm, với mỗi ngày bán đến 20 nồi cơm to, một nồi tầm 7 kí gạo, ngày nghỉ như thứ 7 hay Chủ Nhật là bán lên số lượng cả 35 nồi. Ngoài quán trên, còn có những nơi bán món ăn đặc sản bình dân này tạo nên một cơ ngơi cho nhiều thế hệ, có thể kể tên như: Cây Điệp, Tùng, Tư Ẩn, 8 Diệu, Hường,…
Hồi trước một đĩa cơm chỉ rơi khoảng mười đến mười lăm nghìn, độ nổi tiếng lan xa, thực khách đến "săn" ngày một nhiều, cũng là một trong những lí do phần cơm tăng giá. Tùy vào nơi bán ở trung tâm hay ngoại thành, phần cơm nhiều hay ít mà chênh lệch trong khoảng 20.000 - 35.000 đồng/đĩa. Mức giá quá hời, quá ấn tượng khi bạn nhìn thấy trọn vẹn một phần cơm tấm ở đây.
CƠM TẤM LONG XUYÊN CÓ GÌ KHÁC BIỆT MÀ CÓ NGƯỜI CÒN GỌI LÀ "CƠM TẤM HÀO SẢN"?
Đĩa cơm tấm Long Xuyên không phải tự dưng mà nức tiếng đến vậy.
Đầu tiên phần tấm dùng để nấu thành cơm ở Long Xuyên có phần nhỏ hơn tấm được nấu ở đại đa số các nơi khác tại TP.HCM. Dù là tấm nhưng khi ăn vẫn cảm thấy mềm mềm, mịn mịn, dậy mùi thơm, vị bùi và ngọt hơn hẳn, lại dễ nhai dễ nuốt. Không chỉ riêng hạt tấm mà toàn bộ đồ ăn trên đĩa cũng đều cắt nhỏ theo dạng sợi chứ không để nguyên vẹn như ở các nơi thường thấy.
Vẫn là cơm tấm sườn, bì, chả trứng nhưng đĩa cơm tấm Long Xuyên thường có thịt nướng, thịt khìa, trứng vịt kho kèm chút mỡ hành, dưa chua,... Xét về tổng thể, đó là một đĩa cơm vô cùng đầy đặn, phong phú các loại món ăn kèm, được nằm lẫn vào nhau. Nhiều người còn nói vui "trông như một đĩa cơm nhà, nó đầy ụ mà lại rẻ như cái tính hào sản của người miền Tây".
Ăn cơm tấm Long Xuyên người ta thường mê bì, dưa chua củ cải, dưa chua bằng rau muống hơn cả phần thịt chính trong đĩa cơm. Rưới chút nước mắm chua ngọt đặc sệt cay cay, rồi dùng muỗng xúc một thìa cơm đẫm mỡ hành, kèm chút bì dai dai và vị chua dưa chua ngay đầu lưỡi, đó là lúc người ăn cảm nhận rõ nhất cái riêng của cơm tấm xứ này.
Tuy nhiên, một số các quán cơm tấm Long Xuyên sẽ có sự biến tấu thêm theo nhu cầu của thực khách như cơm tấm sườn cọng, cơm tấm heo quay,... giá có phần tăng nhẹ 45.000 - 60.000/đĩa. Không chỉ vì nước mắm "vua" đặc trưng, mà còn cộng thêm hạt cơm tấm nhuyễn xốp, đĩa cơm đủ đồ ăn bắt vị để thực khách bằng lòng chi trả ở khoảng giá đó.
Đến ăn cơm, mọi người sẽ thường gọi thêm đĩa cơm tấm cháy giá 10.000 đồng để ăn sau cùng cho vui miệng. Chính vì một đĩa cơm tấm chưa đủ làm bụng đầy căng, mà cũng vì cái ghiền các "topping" như mỡ hành, bì, trứng... làm miệng lưỡi người ăn cứ muốn nán lại.
Chưa so sánh đến mùi vị, ai đã từng thử qua cơm tấm Long Xuyên đều phải thừa nhận rằng cơm tấm Long Xuyên có một cái hơn cơm tấm Sài Gòn là không làm mình bị ngán. Chính vì món ăn tẩm ướp vừa miệng, cơm dễ nhai nhanh nuốt, đồ ăn thì thái sợi cắt nhỏ, làm người ta có cảm giác ăn xong vẫn nhung nhớ hoài trọn vẹn hương vị khó quên.
Ở Long Xuyên, An Giang bạn sẽ thấy đầy rẫy quán cơm tấm từ to đến nhỏ, từ tiệm trang hoàng đến quán vỉa hè bình dân, chính vì đây là món ăn được yêu thích cực kỳ. Thế nhưng nếu không đến thành phố Long Xuyên, bạn khó có thể thưởng thức được mùi vị cơm ngon chuẩn ở nơi nào khác. Ai từng thưởng thức qua khi rời đi cũng sẽ muốn quay lại vì nhớ món cơm tấm - một phần vì hương vị ngon, phần khác vì ăn cơm tấm Long Xuyên phải ngồi ở miền sông nước Long Xuyên thì cảm giác mới trọn.