Đến lúc này có cần thiết ban hành Luật Năng lượng tái tạo hay không?
Đây là câu hỏi được đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đặt ra và đề nghị Bộ Công Thương làm rõ...
Sáng 21/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì cuộc làm việc với Bộ Công thương về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, các thành viên Đoàn giám sát đã có những trao đổi thẳng thắn, cởi mở, công tâm, khách quan, tập trung vào chính sách, pháp luật liên quan phát triển năng lượng trong giai đoạn vừa qua như Luật Điện lực, Luật Tài sản công, pháp luật về năng lượng tái tạo tách riêng ra thành Luật Năng lượng tái tạo hay tích hợp thành một chương trong Luật Điện lực….
Các ý kiến cũng tập trung vào hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, Quy định, Thông tư, các tiêu chuẩn, quy chuẩn; các cơ chế, chính sách về kinh tế năng lượng, tài chính năng lượng.
Về tổ chức thực thi, thành viên Đoàn giám sát thảo luận tương đối toàn diện, trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn: an ninh năng lượng (chủ yếu tập trung an ninh năng lượng điện); hạ tầng năng lượng; đề cập đến các dự án cụ thể.
Đáng chú ý, tại buổi làm việc, từ thực tế phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Bộ Công Thương làm rõ đến lúc này có cần thiết ban hành Luật Năng lượng tái tạo hay không? Từ đó làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển nhanh tiềm năng, lợi thế điện mặt trời, điện gió ở nước ta. Nếu cần thiết thì đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần bắt tay ngay vào việc tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành chiến lược phát triển theo định hướng quy hoạch điện VIII đã thông qua.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Đoàn giám sát, trong giai đoạn 2016-2021, công tác cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phá triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí tăng cao, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm an ninh cung ứng điện. Đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo.
Đặc biệt, đã tích cực thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.
Trong giai đoạn 2016-2021, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp tăng trưởng bình quân 8,7%/năm. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng trưởng khá nhanh, bình quân 7,9%/năm giai đoạn 2015-2019, đạt mức 64,542 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2019. Do ảnh hưởng của đại dịch, tăng trưởng Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của năm 2020 so với năm trước đó chỉ còn 2,28%, đạt giá trị 66.014 triệu tấn dầu quy đổi.