Đến lượt Estonia đe dọa chặn gói trừng phạt Nga mới nhất của EU, nguyên nhân là gì?
EU đang xúc tiến gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga, nhưng sự đồng thuận mà khối 27 quốc gia cần để thông qua biện pháp này đang bị cả Slovakia và Estonia làm cho lung lay.
Estonia có thể phủ quyết gói trừng phạt Nga thứ 18 của Liên minh châu Âu (EU) nếu nó không bao gồm việc hạ trần giá dầu Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna tuyên bố.
"Chúng tôi có lập trường rất rõ ràng rằng việc hạ trần giá dầu Nga phải được đưa vào gói này", ông Tsahkna nói với đài truyền hình công cộng ERR của Estonia hôm 9/7. "Chúng tôi có lập trường rất kiên quyết về vấn đề này".
Nhà ngoại giao hàng đầu của quốc gia thành viên EU-NATO cho biết thêm rằng việc hạ trần giá dầu Nga là yếu tố quan trọng nhất của gói trừng phạt mới.
Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất các nước phương Tây giảm trần giá dầu Nga vận chuyển qua đường biển xuống còn 45 USD/thùng, từ mức 60 USD/thùng hiện tại.
Mức 60 USD/thùng đã được thống nhất vào năm 2022, khi giá dầu được giao dịch ở mức hơn 100 USD/thùng, với mục đích giảm nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga. Các lệnh trừng phạt của EU cấm tàu buôn của các quốc gia thành viên vận chuyển dầu Nga nếu giá dầu vượt quá mức trần.

Giàn khoan tại mỏ dầu Prirazlomnoye thuộc sở hữu của Rosneft bên ngoài thành phố Nefteyugansk, Tây Siberia, Nga. Ảnh: Theedgemalaysia
Hôm 8/7, cổng thông tin Delfi của Estonia dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết rằng các quốc gia thành viên EU ở Địa Trung Hải có ngành vận tải biển lớn, đặc biệt là Malta, muốn loại bỏ yêu cầu hạ trần giá dầu Nga khỏi gói trừng phạt mới nhất này.
Do đó, Estonia đang xem xét phủ quyết việc thông qua gói biện pháp trừng phạt thứ 18 nếu nó không bao gồm mức trần giá mới, ông Tsahkna cho biết.
Các quyết định về chính sách đối ngoại của EU, bao gồm cả các lệnh trừng phạt, đòi hỏi sự đồng thuận nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên.
Ông Tsahkna nhấn mạnh rằng lập trường của Estonia là thông qua gói biện pháp trừng phạt như đề xuất ban đầu của Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành khối, và hy vọng các cường quốc EU sẽ ủng hộ lập trường của Tallinn.
Hôm 8/7, Slovakia xác nhận rằng họ sẽ tạm thời duy trì quyền phủ quyết đối với gói trừng phạt mới mà EU dự định áp đặt lên Nga.
Bratislava cho biết họ không phản đối các hạn chế kinh tế cụ thể được đưa vào gói trừng phạt; sự phản đối của họ liên quan đến một vấn đề hoàn toàn khác và thậm chí còn không nằm trong gói trừng phạt này: Đề xuất loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga vào cuối năm 2027.
Là một quốc gia không giáp biển, Slovakia đã kịch liệt phản đối kế hoạch này, cảnh báo rằng nó sẽ làm tăng giá cho người tiêu dùng, làm suy yếu khả năng cạnh tranh và gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của họ.
Hôm 7/7, Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách Hội nhập châu Âu, Olha Stefanishyna, cho biết các thành viên EU dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga vào cuối tuần này.
Trước đó, tại một hội nghị của các nhà lãnh đạo EU vào tháng trước, khối này đã không thể thông qua gói trừng phạt thứ 18, thay vào đó chỉ đồng ý gia hạn các lệnh trừng phạt hiện tại thêm 6 tháng.
Gói trừng phạt thứ 18, được công bố vào ngày 10/6, bao gồm các hạn chế đối với lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Nga. Cụ thể, gói này đề xuất cấm các giao dịch liên quan đến đường ống Nord Stream, hạ trần giá dầu từ 60 USD/thùng xuống còn 45 USD/thùng, và thắt chặt kiểm soát xuất khẩu hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng.
Minh Đức (Theo ERR, Euronews)