Đến năm 2025, thị phần vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của tàu biển đạt 7,5%
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phấn đấu hàng thông qua cảng biển tăng trưởng bình quân từ 5%-7,5%/năm trong giai đoạn 2021-2030, thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu biển trong nước đến năm 2025 đạt 7,5% và đến năm 2030 đạt 10%.
Theo Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ, trên lĩnh vực hàng hải, ngành GTVT sẽ tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg.
Ngành GTVT đặt mục tiêu thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu biển trong nước đến năm 2025 đạt 7,5% và đến năm 2030 đạt 10%. Ảnh minh họa
Thực hiện đầy đủ các cam kết tại các điều ước quốc tế đặc biệt là các công ước quốc tế và hàng hải thuộc hệ thống Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên.
Tiếp tục phát triển, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19 đối với tàu thuyền ra vào cảng. Giảm thiểu chi phí cho chủ tàu, doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tăng cường thu phí, lệ phí bằng hình thức điện tử...
Xây dựng đội tàu biển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tăng cường năng lực của đội tàu chuyên dùng vận chuyển container, chở lô hàng rời, rắn và hàng lỏng, có khả năng đảm nhận ngày càng cao nhu cầu trong nước và quốc tế. Đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của Việt Nam.
Phấn đấu hàng thông qua cảng biển tăng trưởng bình quân từ 5%-7,5%/năm trong giai đoạn 2021-2030, thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu biển trong nước đến năm 2025 đạt 7,5% và đến năm 2030 đạt 10%.
Giai đoạn 2021-2025, triển khai thục tục đầu tư xây dựng mới và hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án: Đóng mới 1 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ, Dự án thiết lập Đài vệ tinh Cospas Sarsat thế hệ mới MEOLUT, Dự án đầu tư xây dựng các đèn biển Đá Lát, Tư Chính A, Tư Chính B,...
Dự án đầu tư xây dựng 2 tàu tiếp tế, kiểm tra trên biển khu vực Hoàng Sa, các đảo xa bờ khu vực phía Nam và các đảo xa bờ khu vực phía Bắc. Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép.
Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa. Dự án cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT...Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông sau bến số 3 đến bến số 6 thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong hai quy hoạch chuyên ngành quốc gia (cùng với Quy hoạch mạng lưới đường bộ) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm nhất.
“Quy hoạch đã được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579 ngày 22/9/2021. Đây là một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược phát triển kinh tế biển vào cuộc sống, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030.
Quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương cùng chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết.
Quy hoạch đã xác định cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại phát huy lợi thế là phương thức chủ đạo vận tải hàng hóa khối lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa quốc tế.
Trong 5 loại hình kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí, các loại hình khác sẽ được kết nối đồng bộ liên hoàn dựa trên những ưu thế của từng phương thức trong từng hành lang vận tải.
Thứ trưởng Nguyên Xuân Sang nhấn mạnh, Quy hoạch cũng ưu tiên các cảng biển cửa ngõ quốc tế, các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng. Các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch và các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp,...
Đặc biệt, nguồn lực cho phát triển cảng biển thời kỳ này chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách chiếm đến 95% trong tổng số 313.000 tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư cảng biển. Vốn ngân sách sẽ tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.