Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ xây dựng hầm chui qua sông Hàn
Theo Dự thảo quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng dự kiến xây dựng hầm chui sông Hàn, giúp giảm tải lưu lượng giao thông khu vực trung tâm TP.
Hầm qua sông Hàn là dự án quan trọng của TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Dự án Hầm qua sông Hàn được xây dựng nhằm góp phần giảm tải lưu lượng giao thông qua 3 cây cầu kết nối quận Hải Châu và quận Sơn Trà.
Trước đó, dự án này cũng đã được đề cập trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và bản đồ quy hoạch xây dựng không gian ngầm đô thị TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo dự thảo, đây là một trong các dự án hạ tầng thuộc khu vực trung tâm thành phố, cùng với các dự án như tuyến đường Lê Duẩn kết nối với đường Đống Đa; tuyến đường Hoàng Hoa Thám thông ra đường Nguyễn Tất Thành; cầu đường bộ nối đường 29 Tháng 3 với tuyến đường Bùi Tá Hán...
Dự kiến, hầm qua sông Hàn sẽ có chiều dài vào khoảng 1 km. Điểm đầu của dự án này nằm tại nút giao giữa đường Đống Đa - Trần Phú, quận Hải Châu. Đối với đường Đống Đa, tuyến đường này kết nối trực tiếp với ga Đà Nẵng hiện hữu. Bên cạnh đó, tuyến đường này còn giúp kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Điểm cuối của dự án là điểm giao giữa đường Vân Đồn và đường Trần Hưng Đạo. Trong đó, đường Vân Đồn sẽ kết nối với quốc lộ 14B, kết nối với cảng Tiên Sa. Cùng với đó, vị trí điểm cuối của dự án hầm qua sông Hàn còn nằm ngay sát dự án Sun Riva Vista Đà Nẵng.
Hầm vượt sông Hàn là một trong những dự án quan trọng của Đà Nẵng mang điểm độc đáo cho mỹ quan thành phố, kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng. Theo dự thảo quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố dự kiến mở rộng nhà ga hiện hữu, xây mới một nhà ga hành khách cho sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030, Đà Nẵng dự kiến xây mới nhà ga hành khách nội địa về phía đông nam sân bay; kết hợp nhà ga hành khách quốc tế T2 hiện hữu với nhà ga hành khách nội địa T1 mở rộng (dự án chuẩn bị được triển khai) thành nhà ga hành khách quốc tế đảm bảo 15 triệu hành khách/năm. Dự kiến nguồn vốn cho nâng cấp năng lực của sân bay giai đoạn này khoảng 8.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, cải tạo, đồng thời xây mới nhà ga hàng hóa đạt công suất 100.000 tấn/năm ở phía đông; xây dựng nhà ga hàng hóa mới đạt công suất 100.000 tấn/năm kết hợp khu logistics ở phía tây. Dự kiến nguồn vốn cho nâng cấp năng lực của sân bay giai đoạn này khoảng 19.000 tỷ đồng.