Đền ơn đáp nghĩa - Mệnh lệnh từ trái tim (bài 2)
Sáng 21/7/2025, giữa trời xanh biên viễn của vùng đất An Giang, hàng trăm người lặng lẽ cúi đầu tiễn đưa những người Anh hùng trở về với lòng đất mẹ. Trong tiếng quân nhạc trầm hùng, 80 hài cốt Liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia đã được đưa vào vị trí trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc (P.Thới Sơn, tỉnh An Giang). Đây là những người đã đi qua chiến tranh, nằm lại rừng sâu suốt gần nửa thế kỷ, nay về trong vòng tay ấm áp của Nhân dân, của đồng đội và Tổ quốc thiêng liêng.
Không được phép lãng quên
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu Liệt sĩ, trong đó hơn 300.000 hài cốt chưa xác định danh tính hoặc chưa tìm được nơi an nghỉ. Ngoài ra, còn có hơn 652.000 thương binh, gần 200.000 bệnh binh, hơn 132.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hơn 323.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.
Những con số đó không phải là số liệu khô khan, mà là máu thịt, là vết khắc trong trái tim mỗi người Việt Nam, là ký ức thiêng liêng không bao giờ nhạt phai trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.

Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn, dâng hoa, dâng hương, kính viếng các Liệt sĩ
Ngày ấy, trong niềm tiếc thương vô hạn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã xúc động, nhấn mạnh: "Chúng ta không được phép quên. Mỗi hài cốt tìm thấy hôm nay là một mảnh ghép của lịch sử trở về. Đó là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay, độc lập, tự do của chúng ta phải trả bằng máu xương, bằng cả tuổi thanh xuân của hàng triệu người con đất Việt".
Kể từ năm 2001 đến nay, Đội K93, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đã quy tập được 2.141 hài cốt Liệt sĩ, trong đó hơn 80 hài cốt được đưa về trong mùa khô 2024 - 2025. Tính chung toàn Quân khu 9, các đội K90, K91, K92, K93 đã cất bốc hơn 11.500 hài cốt, hơn 8.000 trong số đó tìm thấy tại Campuchia, nơi từng là chiến trường khốc liệt trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sĩ của các đội K90, K91, K92... là hành trình bền bỉ, gian khổ và nhiều nước mắt. Các đội quy tập phải vượt qua rừng rậm, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, nhưng họ vẫn không dừng lại vì họ luôn mang trên vai mình tình đồng đội, lòng tri ân và lời hứa thiêng liêng, "Đưa các anh về với Tổ quốc".
"Các đội quy tập đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để tìm kiếm, cất bốc từng hài cốt Liệt sĩ. Đó không chỉ là trách nhiệm mà là mệnh lệnh từ trái tim. Chúng ta sẽ làm tất cả để không một Liệt sĩ nào bị lãng quên..." - Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh.
Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc, trên mỗi nấm mộ mới, bên khung di ảnh ố vàng là những đôi mắt rưng rưng, là những bàn tay run run lần lượt thắp nén nhang tri ân. Bà Trương Thị Lệ, một người Mẹ Liệt sĩ xúc động nói: "Tôi đã chờ đợi ngày này gần 50 năm. Nó đi hồi còn trai tráng, giờ về với mình trong chiếc áo quan nhỏ. Nhưng thôi, mẹ mừng vì con đã về với Tổ quốc, với đất mẹ vĩ đại. Mẹ của con đây con ơi...".
Còn thân nhân của Liệt sĩ Ngô Văn Liên thì xúc động, nghẹn ngào nói: "Tổ quốc không bao giờ quên các anh, các chú. Dù nằm lại nơi đất khách, các anh, các chú vẫn được trở về, vẫn được gọi là Anh hùng".
Ngày đón các anh trở về với Tổ quốc, yên nghỉ trong lòng đất Mẹ, ngoài lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện chính quyền địa phương, còn có thân nhân các gia đình Liệt sĩ. Em Trần Thị Mai Anh, cháu của Liệt sĩ Ngô Văn Liên xúc động, nói: "Con sinh ra sau khi ông mất. Nhưng hôm nay, con cảm thấy ông như đang ở bên con. Con sẽ kể cho những bạn bè con biết về sự hy sinh của ông, của những người đã đi mà không trở lại".

Nghĩa trang Dốc Bà Đắc (phường Thới Sơn, tỉnh An Giang), nơi yên nghỉ của trên 9.000 Liệt sĩ
Luôn ghi nhớ công ơn các anh
Trong buổi lễ trang nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải đã thay mặt lãnh đạo và Nhân dân địa phương đọc điếu văn thiêng liêng. Điếu văn có đoạn: "Đây không chỉ là một nghi thức tưởng niệm, mà còn là phút lắng sâu của cả dân tộc. Là hành trình mang ký ức thiêng liêng trở về trong lòng đất mẹ. Tên tuổi, chiến công và sự hy sinh của các anh mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam".
Trong không khí ấy, mỗi nén nhang, mỗi giọt nước mắt là biểu tượng của lòng biết ơn, là lời thề son sắt của hậu thế, không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên.
Những người lính Việt Nam hy sinh không chỉ vì Tổ quốc, mà còn vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ. Việc quy tập hài cốt hôm nay là minh chứng sống động cho mối quan hệ hữu nghị keo sơn Việt Nam - Campuchia.
Từ miền biên giới An Giang, lời tri ân vang lên như mệnh lệnh thiêng liêng. Đó không chỉ là sự tưởng nhớ, mà còn là thông điệp giáo dục thế hệ mai sau. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Chúng ta cần tiếp tục nuôi dưỡng lý tưởng sống cho thế hệ trẻ, để các em biết tự hào, biết tri ân, biết sống sao cho xứng đáng với những người đi trước đã ngã xuống".
Trong khuôn khổ của sự kiện, buổi tối Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc đã sáng đèn. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn An Giang long trọng tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sĩ, với sự tham dự của hơn 450 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên và thân nhân Liệt sĩ.
Đây là hoạt động nhằm giáo dục truyền thống trong trường học, chăm lo gia đình chính sách, tổ chức các chương trình đền ơn đáp nghĩa để truyền thống "uống nước nhớ nguồn" thấm sâu trong từng thế hệ.
Chị Nguyễn Thị Lan (ngụ phường Thới Sơn) đứng bên mộ Liệt sĩ vô danh và xúc động nói khẽ: "Dù các anh không tên, nhưng đất này nhớ, dân này nhớ, không ai bị lãng quên. Ngày anh ở chính là nơi đất ở, ngày anh đi đất bổng hóa tâm hồn".
Vâng, những người con đã nằm xuống vì Tổ quốc, hôm nay đã trở về trong tiếng nhạc trầm hùng, trong làn khói nhang nghi ngút, lan tỏa, trong tình đất, tình người. Chúng ta, những người đang sống mãi mãi nhớ đến công ơn các anh, nguyện sống cho thật xứng đáng với những gì các anh đã để lại.
Lễ truy điệu khép lại, nhưng hành trình tri ân vẫn tiếp tục. Các anh đã yên nghỉ, nhưng tiếng gọi từ lịch sử sẽ còn vang mãi. Trong lòng đất mẹ An Giang hôm nay, 80 người con đã về, lặng lẽ mà trọn vẹn. Đất mẹ ôm các anh vào lòng như ôm cả một thời hoa lửa, một khúc tráng ca bất tử.
"Từ 2001 - 2025, Đội K93 đã quy tập 2.141 hài cốt Liệt sĩ. Quân khu 9 quy tập hơn 11.500 hài cốt Liệt sĩ, trong đó 8.000 tại Campuchia. Việt Nam hiện có 1,2 triệu Liệt sĩ; 652.000 thương binh, 200.000 bệnh binh; 132.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 323.000 người bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin".
(Còn tiếp...)
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/den-on-dap-nghia-menh-lenh-tu-trai-tim_181006.html