Ngắm kiệt tác gợi nhớ ký ức làng quê của người phụ nữ Cà Mau
Bằng đôi tay khéo léo, chị Nguyễn Hồng Phúc sáng tạo nên những kiệt tác nghệ thuật gợi nhớ những làng quê Nam bộ và ký ức tuổi thơ...

Chị Nguyễn Hồng Phúc đang làm mô hình trường học xưa.
Chị Nguyễn Hồng Phúc (phường Tân Thành, Cà Mau) được nhiều người biết đến với biệt tài sử dụng tăm tre, bìa giấy và những vật dụng bỏ đi, kết hợp với đôi tay khéo léo, sáng tạo thành những mô hình thu nhỏ như mái nhà xưa, trường lớp cũ, khung cảnh làng quê đậm chất miền Tây.
Chị Phúc cho biết, bản thân không học mỹ thuật, kiến trúc hay hội họa… Những tác phẩm nghệ thuật chị làm ra chỉ xuất phát từ tình yêu quê hương, mong muốn lưu giữ ký ức tuổi thơ của bản thân và mọi người.

Khung cảnh miền Tây sông nước hữu tình.

Mô phỏng tỉ mỉ một ngôi nhà xưa ở miền Tây.
“Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tôi tình cờ bắt gặp trên mạng những mô hình nhà miền Tây thu nhỏ và đã học hỏi làm theo. Lúc đầu chỉ định làm cho vui với những mô hình đơn giản, dần dần đam mê từ lúc nào không hay. Sau đó quen tay thuận việc, tôi làm những mô hình cầu kỳ, phức tạp hơn”, chị Phúc chia sẻ.
Chị cũng cho hay, những căn nhà chị làm ra phần lớn chỉ dựa trên những bức ảnh cũ và trí nhớ từ chính ngôi nhà thuở bé chị từng ở.

Ngôi nhà xưa dựa trên trí nhớ từ chính ngôi nhà thuở bé chị Nguyễn Hồng Phúc từng ở.

Khung cảnh quen thuộc ở làng quê miền Tây.
Bên trong những căn nhà, chị Phúc thiết kế thêm các vật dụng cần thiết như bàn thờ, tivi, radio, bộ bàn uống trà, chiếc võng tre cùng gian bếp với những vật dụng cần thiết…
Xung quanh căn nhà là hình ảnh chuồng chăn nuôi, khung cảnh cụ ông ngồi đọc báo, câu cá, cụ bà tắm cho cháu; giã gạo, xay bột hoặc cảnh gia đình quây quần bên mâm cơm đậm chất đồng quê… Đó đều là một phần ký ức tuổi thơ của hầu hết người dân miền Tây.

Một mô hình hoàn chỉnh của chị Nguyễn Hồng Phúc.

Vật dụng được thiết kế đi kèm trong từng căn nhà.
“Lúc đầu tôi làm những mô hình chỉ để thỏa niềm đam mê, muốn lưu giữ ký ức tuổi thơ của chính mình. Về sau những mô hình của tôi được nhiều người biết đến và đặt hàng. Phần lớn khách hàng đặt làm mô hình đa phần là những người lớn tuổi muốn quay ngược thời gian, trở về với tuổi thơ.
Một số trường học cũng đặt mua hoặc mượn tạm mô hình để dạy các trẻ mầm non biết về nguồn cội quê hương ngày xưa của ông bà”, chị Phúc thông tin.

Chị Nguyễn Hồng Phúc dành nhiều thời gian chăm chút cho từng mô hình.

Cảnh miền quê thanh bình, an lành ở miền Tây sông nước được tái hiện trong mô hình.
Ông Nguyễn Văn Minh (70 tuổi) cho biết, ông từng đặt chị Phúc làm mô hình về ngôi nhà mình từng sinh sống ngày xưa và rất ưng ý khi nhận sản phẩm.
“Khi đặt hàng, tôi đưa cho chị Phúc bức ảnh tổng quan về ngôi mình từng sinh sống và cung cấp một số thông tin về việc bày trí trong ngôi nhà. Khi nhận sản phẩm tôi thật sự bất ngờ vì ngôi nhà mô hình gần như giống với ngôi nhà ngày xưa ở quê tôi từng sinh sống, giúp tôi như sống lại ký ức của mình”, ông Minh tâm sự.

Mô hình lớp học cũ với bảng đen, phấn trắng.

Khung cảnh nhà tranh vách lá đơn sơ, hữu tình.
Chị Nguyễn Hồng Phúc cho biết, tùy vào độ công phu, mỗi mô hình có giá từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Đến nay, chị đã cho ra đời hơn 20 mô hình lớn, nhỏ khác nhau.
“Để tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh cần rất nhiều thời gian, công sức. Mình bán mắc quá thì cũng không được, bán rẻ quá thì công sức mình bỏ ra không xứng đáng. Thế nên, ai hiểu được công sức người làm thì đặt mình cung cấp. Giá trị sản phẩm nằm ở mặt tinh thần, chứ không phải ở vật chất", chị Phúc nói.
Chị Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ, điều khiến chị vui nhất không phải là bán được nhiều mô hình mà là mỗi sản phẩm làm ra được người mua đánh giá cao, nhìn vào phải thốt lên rằng “giống hệt nhà mình ngày xưa quá”, giúp họ gìn giữ được một phần ký ức tuổi thơ.
Với chị Phúc, làm mô hình không chỉ để thỏa đam mê, kiếm thêm thu nhập mà còn là cách để chị giáo dục con mình biết trân trọng quá khứ, hướng về cội nguồn, vun bồi tình yêu quê hương, đất nước.