''Đền ơn đáp nghĩa'': Nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc

'Đền ơn đáp nghĩa' là đạo lý, lòng nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đạo lý đó đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa ngày càng rộng rãi.

Cả xã hội cùng chăm lo

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn’’, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa’’ đối với người có công với cách mạng và thân nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quà tặng cho người có công với cách mạng

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quà tặng cho người có công với cách mạng

Theo đó, các chính sách ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được Nhà nước ban hành, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện để thể chế quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng; chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng; góp phần chăm lo, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.

Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tính riêng trong 10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng. Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ.

Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ. Cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sĩ; tiến hành chuẩn hóa thông tin bia mộ liệt sĩ, 2 năm qua đã điều chỉnh 20.000 bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh", đến nay cả nước tuyệt đại bộ phận thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.

Đặc biệt, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Ân nặng tình sâu

Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong những ngày tháng 7 này, các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tri ân người có công được các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai và được cộng đồng xã hội chung tay hưởng ứng. Qua đó, góp phần phát huy và lan tỏa truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đối với người có công với cách mạng.

Một trong những hoạt động vừa diễn ra được xã hội quan tâm, ủng hộ, đó là việc ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đất nước ta kết thúc chiến tranh gần 50 năm, có 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa quy tập được hoặc chưa xác định danh tính; trong đó có hơn 23.000 hài cốt liệt sĩ còn nằm lại rừng sâu, khe lạnh.

Nhiều năm qua, công tác quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên triển khai thực hiện, và việc xây dựng “Ngân hàng Gen” cho liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá: Đây là việc làm ý nghĩa, linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm nhanh càng tốt, vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan. Chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ.

Để tiếp tục thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm, tình cảm từ trái tim của các thế hệ người Việt Nam, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn, với tinh thần không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trọng tâm là địa bàn trong nước; tập trung rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ; kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc; tu bổ, sửa chữa nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm, công trình ghi công liệt sĩ…

Cả nước hiện đã xác nhận được 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công; trong đó có khoảng trên 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 140.000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/den-on-dap-nghia-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cua-dan-toc-335107.html