Đền Quán Thánh, một trong tứ trấn nổi tiếng Thăng Long

Trấn Vũ Quán hay còn gọi là đền Quán Thánh, từ xưa đã nổi danh trấn Bắc trong 'Thăng Long tứ trấn' của đất kinh kỳ.

Đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - một vị thần trấn giữ hướng Bắc kinh thành Thăng Long. Đền được xây dựng vào năm 1010 dưới triều vua Lý Thái Tổ.

Sau khi dời đô về Thăng Long, vua cho rước bài vị của thần về ở phía Tây Bắc thành, gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế Quán – phúc thần của kinh thành. Đền nằm ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Trải qua nhiều lần tu sửa, đến năm 1893 đền được tu sửa lớn như diện mạo ngày nay.

Đền Quán Thánh (Ảnh: Internet)

Đền Quán Thánh (Ảnh: Internet)

Đền Quán Thánh được xây dựng theo kiểu kiến trúc Trung Quốc, bao gồm tam quan, sân, ba lớp nhà tiền đế, trung đế, hậu cung. Cổng ngoài của đền nằm trên lề đường Thanh Niên. Cổng có bốn cột trụ với tượng bốn con phượng hoàng đấu lưng với nhau và con nghê trên đỉnh. Ở hai bên là hai bức bình phong đắp nổi hình mãnh hổ hạ sơn. Phía trên là tượng đắp nổi hình cá hóa rồng. Ở các mặt trước và sau của bốn cột trụ được trang trí bởi những cặp câu đối đỏ trông rất nổi bật.

Sau cổng ngoài là tam quan có cấu tạo như một phương đình. Tam quan của đền có ba cửa và hai tầng. Trên gác tam quan có quả chuông đồng cao 1,5m, nặng 1 tấn, được đúc vào năm 1677, triều đại vua Lê Hy Tông.

Nhắc đến đền Quán Thánh, người ta sẽ nghĩ ngay đến pho tượng đồng quý giá Huyền Thiên Trấn Vũ. Bức tượng đồng nổi tiếng này chứa đựng nhiều điều kỳ bí với bất cứ ai một lần được chiêm bái. Trước kia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được làm bằng gỗ, đến đời Lê Hy Tông, tức năm 1677 được đúc lại bằng đồng đen. Tượng cao gần 4m, chu vi 8m, nặng 4 tấn tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được thờ bên trong đền (Ảnh: Người đưa tin)

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được thờ bên trong đền (Ảnh: Người đưa tin)

Tượng thần được đặt ở hậu cung có khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị nhưng bình thản, hiền hậu với đôi mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xõa không đội mũ, mặc áo đạo sĩ ngồi trên bục đá với hai bàn chân để trần. Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp, bàn tay phải úp lên đốc kiếm, kiếm chống trên lưng rùa nằm giữa hai bàn chân, quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên.

Trải qua hơn một thiên niên kỷ nhưng ngôi đền Quán Thánh vẫn còn giữ gìn nguyên vẹn những giá trị văn hóa lịch sử cho con cháu mai sau. Song hành cùng lịch sử, ngôi đền được in dấu bởi nét thời gian tạo nên một vẻ đẹp rất riêng, vẻ đẹp của cổ kính, thơ mộng bên Hồ Tây, Hà Nội.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/den-quan-thanh-mot-trong-tu-tran-noi-tieng-thang-long-243285.htm