Đến Việt Nam, thầy giáo người Mỹ bất ngờ: 'Tôi chưa từng thấy một ngôi trường nào như vậy trên thế giới'

Thầy giáo, chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em ở Mỹ tỏ ra bất ngờ trước ngôi trường nơi mà 'hạnh phúc đích thực' là một giá trị cốt lõi như ở ngôi trường được chọn làm địa điểm tổ chức Hội thảo quốc tế 'Hạnh phúc trong giáo dục' 2024.

Trong 2 ngày 23 - 24/11, Hội thảo quốc tế "Hạnh phúc trong Giáo dục" 2024 do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức, tại địa điểm là trường TH School cơ sở Chùa Bộc (Hà Nội), đã quy tụ gần 10 chuyên gia uy tín và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam và thế giới. Trong đó, có ông Thomas Hobson, một nhà giáo dục mầm non, diễn giả và blogger giáo dục nổi tiếng thế giới, chuyên viên tư vấn giáo dục trẻ em (Mỹ), và ông Martin Skelton, Cố vấn giáo dục quốc tế, đồng tác giả chương trình IPC, Cố vấn sáng lập TH School.

80% các câu người lớn nói với trẻ em đều là những câu mệnh lệnh

Trò chuyện với PV, ông Thomas Hobson chia sẻ, chưa bao giờ ông nghĩ rằng muốn trở thành giáo viên. "Tôi có bằng báo chí, tôi làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng, tôi huấn luyện bóng chày. Tôi đã làm đủ thứ việc trong cuộc sống của mình và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên. Nhưng khi con gái chúng tôi chào đời, tôi nghĩ rằng mình chỉ muốn ở nhà với con bé và ở bên con bé".

Sau 3 năm đồng hành cùng con ở trường, tình yêu đối với nghề giáo viên mầm non của ông Thomas cũng "nảy mầm" lúc nào không hay. Kể từ đó đến nay, ông đã có 25 năm gắn bó với công việc này và là một chuyên gia về giáo dục trẻ em.

Tại hội thảo, với 25 năm kinh nghiệm, ông Thomas Hobson (nổi tiếng với tên gọi Teacher Tom) chia sẻ về phương pháp giáo dục dựa trên trò chơi. Ông minh họa qua những câu chuyện và lấy ví dụ về chương trình giảng dạy nhằm giúp thúc đẩy sự tò mò, động lực tự thân, sự thấu cảm và mục đích sống cho trẻ em, nhất là trẻ ở lứa tuổi mầm non.

Ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng sẽ tạo ra thực tế. Theo ông Thomas Hobson, những từ ngữ mà người lớn dùng cho trẻ em phải luôn luôn thận trọng. Bởi vì cách thức mà chúng ta đối thoại với các em sẽ ảnh hưởng tới thế giới quan, nhận định của các em.

"Theo một số nghiên cứu, khoảng 80% các câu người lớn nói với trẻ em đều là những câu mệnh lệnh, chẳng hạn "đừng nói nữa", "đừng khóc nữa",... khi người lớn nói những câu này, chỉ có hai kết quả, đó là các con nghe theo hoặc không. gười lớn hãy thử đặt mình vào vị trí của các con để cảm nhận khi có tới 80% lời nói mà chúng nhận được đều là những câu mệnh lệnh, sai khiến thì sẽ thế nào?".

Ông Thomas đưa ra gợi ý cho các phụ huynh hãy lắng nghe con cái nhiều hơn và học cách thay đổi các câu nói với con. Chẳng hạn, khi thấy đồ chơi vương vãi trên lớp học, cần phải dọn dẹp, nếu như ông nói "hãy cất đồ chơi đi" thì có lẽ không đứa trẻ nào trong lớp làm cả. Nhưng khi ông nói "hình như mảnh ghép logo này phải ở trên giá sách cơ" thì có tới 10 em chạy ra cất ngay đi. Rõ ràng, việc thay đổi cách nói và tương tác với trẻ em có thể mang lại hiệu quả tích cực hơn và giúp trẻ tư duy, nghe lời làm những việc tốt.

Hạnh phúc là cảm giác, suy nghĩ của mỗi con người, nhưng lại là một thứ khó nắm bắt. Hạnh phúc không phải là công thức, không cầm nắm được và thay vào đó là sự cảm nhận sự yêu thương. Do đó, nếu việc học mà máy móc, lặp đi lặp lại thì những giờ học trên trường sẽ trở nên nặng nề và các em cũng sẽ "chán nản" và không còn hạnh phúc nữa.

Làm thế nào để hạnh phúc trong giáo dục?

Trao đổi về làm thế nào để học sinh trở nên hạnh phúc hơn trong giáo dục, ông Martin Skelton, Cố vấn giáo dục quốc tế, đồng tác giả chương trình IPC, Cố vấn sáng lập TH School, chia sẻ: "Học tập thực chất là hoạt động của trí não. Thay đổi cách thức để giúp bộ não gia tăng kết nối và phát triển là điều quan trọng hơn việc giáo viên giao cho học sinh nhiều bài tập".

Theo ông Martin, điều tạo nên sự khác biệt lớn nhất là khi giáo viên có thể ngừng nhìn qua lăng kính giảng dạy và bắt đầu nhìn qua lăng kính cải thiện của học sinh. Một khi giáo viên có thể làm được điều đó, tất cả mọi thứ khác bắt đầu thay đổi. Vì vậy, đó là sự khác biệt rất lớn.

"Khi nhìn vào lớp học của bạn và suy nghĩ liệu học sinh có tiến bộ hơn không? Thay vì nhìn vào cách giảng dạy của bạn và nói "liệu tôi có đang giảng dạy tốt hơn không?" Tôi nghĩ, điều này sẽ có sự khác biệt thực sự lớn", ông Martin cho biết.

"Là một thầy giáo, tôi muốn được đánh giá dựa trên việc học sinh của tôi học được những điều tốt đẹp như thế nào", ông Martin Skelton nhấn mạnh.

Ông Martin cũng chia sẻ, ông bắt đầu dạy học khi mới 21 tuổi: "Ở tuổi đó, tôi vẫn còn khá trẻ và tôi không quen với tất cả những thăng trầm của cuộc sống. Tôi truyền đi một trong số đó là sự lo lắng và bất an của chính tôi, tôi truyền chúng cho học sinh của mình. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các giáo viên cũng đang trên con đường học cách làm điều này. Vì vậy tôi nghĩ rằng các thầy cô cần phải nhận thức về tình trạng của chính mình, về cảm giác của chúng ta khi ở trong lớp học và rất nhận thức về cách cảm xúc của chính chúng ta ảnh hưởng đến học sinh".

Trong khi đó, theo quan điểm của ông Thomas: "Cách để trẻ em hạnh phúc, đặc biệt là trong những năm đầu đi học, là để chúng một mình, hãy để chúng theo đuổi sở thích của mình, để chúng nhảy múa, hát, vẽ, để chúng khám phá những gì chúng thích và ở đó như một người hướng dẫn. Vâng, cha mẹ và thầy cô hãy ở đó nữa. Khi các con chơi với nhau, chúng có thể xảy ra tranh cãi… Nhưng với những năm đầu đi học, hãy để trẻ em biết rằng chúng được phép là chính mình, đó chính là hạnh phúc".

Ngoài ra, theo chuyên gia giáo dục Thomas, muốn mang hạnh phúc vào lớp học có nghĩa là chúng ta phải ngừng kiểm soát lẫn nhau, bởi vì thường thì những gì xảy ra trong môi trường giáo dục là chúng ta dành thời gian để bảo trẻ em phải làm gì, bảo chúng đi đâu, ngồi đâu, cư xử thế nào, khi nào. Hạnh phúc thực sự đến từ việc có quyền lựa chọn biết rằng bạn được tôn trọng đủ để theo đuổi sở thích và ý tưởng của riêng mình. Đó chính là nơi hạnh phúc đến.

"Tôi muốn nói rõ điều này, hạnh phúc không có nghĩa là chúng ta luôn mỉm cười. Không có nghĩa là chúng ta luôn cười. Hạnh phúc là gì? Với tôi, hạnh phúc có nghĩa là một sự theo đuổi, một giấc mơ, một hướng đi mà chúng ta đang hướng tới", ông Thomas nhấn mạnh về lời khuyên dành cho các thầy cô giáo, phụ huynh trên hành trình để hạnh phúc hơn trong giáo dục.

Ngôi trường "hạnh phúc đích thực"

Ông Thomas Hobson chia sẻ: "Đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam và lần đầu đến Hà Nội. Tôi chưa bao giờ thấy một ngôi trường nào trên thế giới hoặc một chương trình nào nhấn mạnh vào "hạnh phúc đích thực" là một trong những giá trị cốt lõi của họ, như TH School. Hạnh phúc đích thực là điều chúng ta cần tập trung nhiều hơn, bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới mà tỷ lệ lo lắng và trầm cảm ở những người trẻ đang tăng vọt. Tôi nghĩ phần lớn là do sự nặng nề về học thuật, vào điểm số, thành công và vào đúng trường đại học và tất cả những thứ tương tự".

"Chúng ta có thể mang tới những thay đổi ý nghĩa trong giáo dục bằng cách làm những việc như TH School đang làm, như hội thảo hạnh phúc trong giáo dục này", chuyên gia Thomas nói.

Còn chuyên gia Martin chia sẻ ông có may mắn hơn khi tham gia vào dự án xây dựng hệ thống trường TH ngay từ khoảng năm 2010. Ông không chỉ ấn tượng với hành trình của TH School mà còn bất ngờ trước tầm nhìn của người đứng đầu.

"Tầm nhìn và năng lượng của bà Thái Hương thật đáng kinh ngạc. Tôi từng hỏi là liệu bà có lo lắng khi mở trường TH trong bối cảnh có đã rất nhiều trường ở Hà Nội? Khi đó, bà Thái Hương trả lời rằng không. Bởi bà muốn tạo thêm nhiều cơ hội cho học sinh ở Hà Nội và Việt Nam được học tập trong ngôi trường đặc biệt với chất lượng quốc tế nhưng,tôn trọng văn hóa Việt Nam.", ông Martin bày tỏ.

Theo ông Martin, những hội thảo như "Hạnh phúc trong giáo dục" sẽ trở thành cầu nối các chuyên gia và trường học, giáo viên, phụ huynh, học sinh, từ đó góp phần cải thiện gia tăng trải nghiệm học tập hạnh phúc hơn ở các trường học.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/den-viet-nam-thay-giao-nguoi-my-bat-ngo-toi-chua-tung-thay-mot-ngoi-truong-nao-nhu-vay-tren-the-gioi-20241128163346439.htm