Đến với bài thơ hay: Nét cười đủ tươi nguyên
Bài thơ 'Bức tranh Giêng' mang đến cho chúng ta một cảm xúc thật đặc biệt, trong từng câu chữ chứa đựng cả mưa, sương và mộng mị…
![Ảnh minh họa INT.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_181_51424634/0978d574ec3a05645c2b.jpg)
Ảnh minh họa INT.
Bức tranh ấy kể ra đâu có gì cầu kỳ, chỉ cần một nét cười đủ tươi nguyên, đủ quý giá để cất giữ trong tâm hồn người đang yêu:
Nguyễn Trọng Tạo
Bức tranh Giêng
Giêng vừa động cửa cỏ mở chân trời
lay phay mưa bụi hiện nét em cười
anh đóng khung tranh mạ vàng treo chơi
tranh treo mồng Tư ngất ngư mồng Bảy
đôi môi em cười thành hoa hồng cháy
thân cành mọc gai cứa lòng đau mãi
có một đêm Rằm chợt lạnh vầng trăng
bay vào khung tranh soi giấc anh nằm
lay anh tỉnh dậy ngậm ngùi xa xăm
thì ra tháng Giêng nhớ em quá thể
anh thấy em về giữa miền mộng mị
và cái khung tranh chính là khung cửa
từ bấy đến giờ anh có tháng Giêng
ngọt ngào mòng mọng ảo mờ chung chiêng
tháng Giêng ngà ngọc cứa và niềm riêng...
Giêng vừa động cửa cỏ mở chân trời
lay phay mưa bụi hiện nét em cười
anh đóng khung tranh mạ vàng treo chơi
tranh treo mồng Tư ngất ngư mồng Bảy
đôi môi em cười thành hoa hồng cháy
thân cành mọc gai cứa lòng đau mãi
có một đêm Rằm chợt lạnh vầng trăng
bay vào khung tranh soi giấc anh nằm
lay anh tỉnh dậy ngậm ngùi xa xăm
thì ra tháng Giêng nhớ em quá thể
anh thấy em về giữa miền mộng mị
và cái khung tranh chính là khung cửa
từ bấy đến giờ anh có tháng Giêng
ngọt ngào mòng mọng ảo mờ chung chiêng
tháng Giêng ngà ngọc cứa và niềm riêng...
“Giêng vừa động cửa cỏ mở chân trời
lay phay mưa bụi hiện nét em cười
anh đóng khung tranh mạ vàng treo chơi”
Nhưng, nét cười ấy đâu có chịu nằm yên trong “khung tranh mạ vàng” mà đã cất lên như tiếng hát đầy quyến rũ làm say đắm như một thứ men khiến anh ngây ngất. Lâu nay, tình yêu vốn đã là thứ rượu vang làm say đắm bao người. Thi sĩ Nguyễn Bính từng viết: “Đời say men rượu thơm hoa rụng/ Tràn những ngây thơ ngập cảm tình...” (Hoa với rượu). Nếu thứ rượu trong thơ của thi sĩ chân quê là sự ngậm ngùi còn sự “ngất ngư”của cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo là sự bay bổng, phiêu diêu trong một cuộc tình đặc biệt:
“tranh treo mồng Tư ngất ngư mồng Bảy
đôi môi em cười thành hoa hồng cháy
thân cành mọc gai cứa lòng đau mãi”.
Tuy bài thơ không được viết theo thể lục bát nhưng những câu thơ vẫn đủ khiến người đọc thích thú bởi cách gieo vần như một sự cộng hưởng thú vị. Từ “mồng Tư” đến “mồng Bảy” có xa không, có lâu không? Thực ra, tất cả các con số ở đây chỉ là ước lệ. Đắm say nào có thể đo đếm được, men tình yêu không bao giờ hết nồng nàn trong cuộc đời này. Người mà anh say là đóa hồng, ngọn lửa. Hoa hồng bao giờ cũng có gai, bản thân trong tình yêu luôn chứa đựng những đau khổ, tổn thương.
Nhưng có lẽ, những lo lắng của thực tế ấy không thể làm mất đi sự thi vị, bay bổng của tình yêu. Những giấc mơ vẫn đầy ắp sự nồng nàn, thi vị. Nhà thơ đã tạo ra những khổ thơ dang dở, tạo ra sự lơ lửng (3 câu), gợi cảm giác lưng chừng, chơi vơi, để lại khoảng trống suy tưởng thú vị cho người đọc:
“có một đêm Rằm chợt lạnh vầng trăng
bay vào khung tranh soi giấc anh nằm
lay anh tỉnh dậy ngậm ngùi xa xăm”
“Nhân vật” được nhắc đến trong khổ thơ này là sự phiếm chỉ. Người ấy như đến từ cõi khác, gợi chúng ta nhớ đến tình ran ríu trong văn chương như người và tiên, hồ ly hay hồn mộng… trong các văn chương kỳ ảo. Sự giao cảm vượt lên hiện thực nghiệt ngã của toán tính trần tục khẳng định một tình yêu tha thiết cuộc đời. Nếu đặt trong sự tương quan ấy để cảm nhận, sẽ thấy “khung tranh” mà thi sĩ nhắc đến chính là trái tim, là thế giới tâm hồn. Tâm hồn ấy chỉ có duy nhất một “chủ nhân” đó là “nét em cười”. “Lay anh tỉnh dậy” khỏi giấc mộng tháng Giêng, là đánh thức một trái tim đã ngủ quên trong chính cuộc đời mình.
Những người yêu thơ tình khi đọc sẽ nhận thấy những tín hiệu thẩm mỹ độc đáo của thế giới ấy. Một chiếc răng khểnh, một mái tóc, một ánh mắt, một nét cười… chừng ấy là vừa đủ để thắp lên ngọn lửa tha thiết yêu đương. Trong đêm Rằm tháng Giêng ấy, vầng trăng tròn đã tạo ra điều bất ngờ. Nét cười là cánh cửa chứ không là bức khung gỗ đóng kín số phận:
“thì ra tháng Giêng nhớ em quá thể
anh thấy em về giữa miền mộng mị
và cái khung tranh chính là khung cửa”
Trong giấc mơ, nhà thơ nhận ra hai điều thú vị: “em về giữa miền mộng mị” và “khung tranh chính là khung cửa”. Cánh cửa bí mật ấy chứa đựng bất ngờ gì?. Thực ra, chính “nét cười” sẽ là câu trả lời, sẽ là con đường mở ra để anh đến với hạnh phúc. Bấy lâu anh cứ tìm đường, cứ hỏi lối mà quên rằng lối đi từ chính tâm hồn mình (khung tranh chính là khung cửa). Chỉ cần sự chân thành, tha thiết, cánh cửa ấy sẽ mở ra niềm hạnh phúc. Kể từ đó, tháng Giêng ngọt ngào, viên mãn hơn:
“từ bấy đến giờ anh có tháng Giêng
ngọt ngào mòng mọng ảo mờ chung chiêng
tháng Giêng ngà ngọc cứa vào niềm riêng...”
Bài thơ kết thúc bằng sự gắn bó bền chặt, quả quyết với tháng Giêng (từ bấy đến giờ anh có tháng Giêng). Tháng Giêng ở đây không còn là dấu mốc của thời gian, là sự khởi đầu năm mới nữa mà đã thành sự đau đáu, da diết, thiết tha. Trong niềm hạnh phúc chứa đựng sự mong manh, lo âu của một tình yêu.
“Bức tranh Giêng” là một bài thơ được viết bằng sự tinh tế, bay bổng, gợi nhiều suy tưởng từ câu, chữ. Một bức tranh ám ảnh người đọc bởi những phác thảo có hồn và rung động lòng người.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-net-cuoi-du-tuoi-nguyen-post718694.html