'Đèn xanh' từ Mỹ không đủ, Ukraine cần nhiều hơn để đứng vững sau xung đột với Nga

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã 'bật đèn xanh' cho Ukraine bằng cam kết nối lại viện trợ quân sự, tương lai của đất nước này, đặc biệt là trong giai đoạn hậu chiến, vẫn phải được xây dựng từ chính ý chí và sức mạnh nội tại của chính người dân Ukraine.

Tín hiệu mừng từ Mỹ

Một tuần đầy biến động cuối cùng cũng kế thúc trong nhẹ nhõm với các quan chức Kiev, khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ nối lại việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Phát biểu trước báo giới vào tối 7/7, ông Trump cho biết Mỹ sẽ gửi thêm vũ khí, chủ yếu là trang bị phòng thủ, cho Ukraine.

“Chúng ta phải làm vậy. Họ cần có khả năng tự vệ. Họ đang bị tấn công rất dữ dội", ông nói.

Tuyên bố của Tổng thống được đưa ra ngay trước thềm cuộc tấn công trên không lớn nhất từ trước đến nay mà Nga tiến hành nhằm vào Ukraine, với 728 máy bay không người lái và 13 tên lửa được phóng đi trong một chiến dịch kéo dài xuyên đêm cho đến sáng 9/4. Tổng thống Volodymyr Zelensky mô tả cuộc tấn công là “một lời cảnh báo rõ ràng” rằng Nga chưa chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn.

Quân đội Ukraine. Ảnh: Reuters

Quân đội Ukraine. Ảnh: Reuters

Trước đó vài ngày, ông Zelensky đã có cuộc điện đàm với ông Trump để nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của viện trợ quân sự từ Mỹ, sau khi Lầu Năm Góc bất ngờ thông báo tạm dừng các chuyến hàng vũ khí, trong đó có các hệ thống Patriot, tên lửa dẫn đường, đạn pháo và các loại vũ khí chủ lực khác. Theo các quan chức quốc phòng, quyết định tạm dừng là một phần trong quy trình rà soát và kiểm kê kho vũ khí toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã không được thông báo trước và cảm thấy bị “đặt vào tình thế đã rồi”. Trả lời câu hỏi của báo giới về ai ra lệnh tạm dừng, ông Trump nói thẳng: “Tôi không biết – các anh nên nói cho tôi biết mới phải.”

Bất đồng nội bộ diễn ra trong bối cảnh Nga tăng cường nhịp độ tấn công trên nhiều mặt trận. Cuối tuần qua, Moscow tiến hành chiến dịch ném bom kéo dài bảy giờ nhằm vào thủ đô Kyiv, khiến ít nhất một người thiệt mạng và 26 người khác bị thương. Tổng cộng, 728 UAV đã được sử dụng chỉ trong một đêm – một phần của chiến lược tiêu hao kéo dài, nhằm phá vỡ khả năng phòng thủ và làm suy yếu tinh thần của quân đội Ukraine dọc theo tuyến mặt trận dài hơn 1.000 km.

Từ đầu cuộc chiến vào tháng 2 năm 2022, Mỹ đã là quốc gia hỗ trợ lớn nhất cho Ukraine, không chỉ về tài chính mà còn về quân sự. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Mỹ đã viện trợ tổng cộng khoảng 123,77 tỷ USD, trong đó có 75,8 tỷ USD cho hỗ trợ quân sự. Những vũ khí mang tính chiến lược mà Washington cung cấp bao gồm ba hệ thống phòng không Patriot, tên lửa đất đối không, 31 xe tăng Abrams, 45 xe tăng T-72B, 20 trực thăng Mi-17, cùng hàng trăm xe bọc thép chở quân. So sánh với Mỹ, mức viện trợ từ các quốc gia khác tuy đáng kể nhưng vẫn ở khoảng cách lớn: Anh đứng thứ hai với 22,64 tỷ USD và Đức đứng thứ ba với 18,66 tỷ USD.

Sự đảo ngược chính sách bất ngờ của ông Trump đã tạo ra nhiều phản ứng trái chiều trong giới phân tích quốc tế. Ông Maksym Skrypchenko, Chủ tịch Trung tâm Đối thoại Xuyên Đại Tây Dương, cảnh báo rằng Ukraine không thể tiếp tục trông đợi Mỹ như một nguồn cung ứng ổn định, đặc biệt trong bối cảnh Washington đang tái định hướng ưu tiên chiến lược sang Trung Đông. Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John E. Herbst cho rằng sự thay đổi quan điểm của ông Trump là cơ hội để Washington khẳng định lại cam kết đối với Kiev.

Tương lai của Ukraine

Tuy nhiên, ngay cả với sự hỗ trợ mới này, câu hỏi lớn vẫn còn đó: liệu Washington có duy trì được lập trường nhất quán trong dài hạn hay Ukraine sẽ tiếp tục phải chống đỡ trong tình trạng vừa chiến đấu, vừa lo lắng về những cơn gió đổi chiều từ Nhà Trắng trong trường hợp hòa bình lập lại? Bởi lẽ, để thực sự tái thiết đất nước sau chiến sự, Ukraine không thể chỉ dựa vào các gói viện trợ tài chính hay khả năng răn đe quân sự từ Mỹ và các đồng minh phương Tây. Những yếu tố đó tuy quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ. Điều Ukraine cần hơn cả là một chiến lược đầu tư bền vững, kiên định và có tầm nhìn dài hạn vào các hệ thống nền tảng làm nên sức sống và sự độc lập của một quốc gia có chủ quyền. Trong số đó, tài sản quý giá nhất – nhưng lại thường bị xem nhẹ nhất – chính là yếu tố con người.

Trong nhiều cuộc thảo luận quốc tế về lực lượng lao động Ukraine, viễn cảnh hàng nghìn người tị nạn hồi hương được cho là sẽ thắp lên hi vọng cho khả năng phục hồi kinh tế của Ukraine. Thế nhưng, công cuộc tái thiết không thể trì hoãn cho tới ngày người dân trở về, cũng không thể phụ thuộc hoàn toàn vào dòng chảy viện trợ từ bên ngoài. Tài sản quý giá và giàu tiềm năng nhất của Ukraine là hàng triệu công dân có năng lực, sẵn sàng học hỏi và làm việc, vẫn đang hiện diện ngay trên chính mảnh đất này, chờ được trao cơ hội để hành động.

Sự phục hồi của Ukraine không bắt đầu từ ngày những người tị nạn trở về, mà bắt đầu từ ngày quốc gia này quyết tâm cải cách.

Theo một nghiên cứu mới của Viện Tony Blair, nếu chính quyền Ukraine tiến hành cải cách ngày từ bây giờ thì quốc gia này có thể mở rộng lực lượng lao động của Ukraine thêm 25%, ngay cả khi chiến sự chưa kết thúc. Hơn 3 triệu người trong nước có khả năng tham gia thị trường lao động nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Việc khai thác tiềm năng này không chỉ là con đường khả thi nhất để kích thích tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh phục hồi, mà còn là biện pháp vững chắc nhất để xây dựng sức kháng chiến, cả về xã hội lẫn quốc phòng, trong bối cảnh xung đột kéo dài.

Điều tích cực là Ukraine không bắt đầu từ con số không. Đất nước đang có trong tay những công cụ cần thiết để chuyển mình, từ nguồn hỗ trợ quốc tế lên đến hàng tỷ USD, đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến bậc nhất châu Âu. Thêm vào đó là một dân số có khả năng thích nghi cao: gần 40% người thất nghiệp sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động. Đây là một nguồn lực quốc gia vô giá và các đối tác quốc tế của Ukraine có thể đóng vai trò quyết định trong việc biến tiềm năng này thành hiện thực.

Diệp Thảo/VOV.VN (tổng hợp) Theo The Independent, CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/den-xanh-tu-my-khong-du-ukraine-can-nhieu-hon-de-dung-vung-sau-xung-dot-voi-nga-post1213815.vov